Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 28/12/2011 21:39'(GMT+7)

Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011

Các vị cao niên phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, thực hiện nghi thức khai ấn. (Ảnh: TTXVN)

Các vị cao niên phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, thực hiện nghi thức khai ấn. (Ảnh: TTXVN)

Vấn đề được đông đảo dư luận xã hội và người dân quan tâm quanh việc phát ấn Đền Trần vào lễ hội đầu xuân đã được đề cập tại hội nghị này.

Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (đơn vị nghiên cứu, tư vấn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định về kịch bản mới cho Lễ hội đền Trần) cho biết, hiện nay, đề án cho phát ấn đền Trần vào lễ hội năm 2012 do Viện đưa ra đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã nhất trí với đề án này và sẽ có kế hoạch cụ thể cho Lễ hội đền Trần năm 2012.

Phương án của Viện đưa ra tuân thủ kết luận của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng (âm lịch) như mọi năm mà chỉ khai ấn như truyền thống cộng đồng vẫn tiến hành và cũng sẽ không có lễ khai mạc trong đêm 14 tháng Giêng. Việc phát ấn sẽ được tiến hành từ sáng ngày 15 tháng Giêng và thời gian phát ấn do Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định quyết định.

Về thời gian phát ấn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định dự kiến sẽ tiến hành bắt đầu từ 8 giờ sáng 15 tháng Giêng kéo dài đến hết tháng Giêng. Sáng 14 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ dâng hương quy mô như kỷ niệm ngày mất của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm và lễ khai ấn sẽ diễn ra như thông lệ của nhà đền. Tỉnh sẽ có phương án đảm bảo an ninh trật tự cũng như phân luồng giao thông hợp lý.

Về lá ấn, Viện Văn hóa Nghệ thuật cho biết, qua quá trình tham vấn ý kiến của nhiều nhà khoa học cho thấy, lá ấn tại Đền Trần hoàn toàn không có giá trị thăng quan tiến chức mà chỉ có tính chất cầu an. Thế nên, để Lễ hội đền Trần năm 2012 thành công và hạn chế được các bất cập như những năm trước thì công tác tuyên truyền nhằm "giải thiêng lá ấn" đóng vai trò quyết định và cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cơ quan báo chí. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho rằng, nên xác định lá ấn ở đền Trần là một vật kỷ niệm của lễ hội dành cho khách thập phương và có thể phát trong suốt cả năm.

Một vấn đề khác cũng được đông đảo các đại biểu quan tâm đề cập có liên quan tới việc đồ mã, hàng mã và quản lý tiền công đức. Đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định rằng, khó khăn đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội có phát hiện ra việc sản xuất, vận chuyển, đưa đồ mã vào sắp xếp trong đền, chùa nhưng không thể xử phạt vì không có chế tài. Chỉ có thể phạt với các trường hợp đang đốt đồ mã song cũng có chỗ gặp nhưng không thể phạt bởi các đối tượng thuê trẻ em đốt). Thêm vào đó, việc đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, ném tiền linh tinh hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở chứ chưa thể xử phạt do chưa có chế tài. Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đang rất nỗ lực để xây dựng mô hình quản lý di tích trong đó có quản lý, sử dụng tiền công đức cho minh bạch, phù hợp.

Nhằm đảm bảo mùa lễ hội năm 2012 diễn ra nghiêm túc, an toàn và hạn chế bất cập, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xâu dựng đề cương thanh tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên diện rộng. Dự kiến, thanh tra Bộ sẽ đến thanh tra, kiểm tra 50 lễ hội tại 50 di tích thuộc 17 tỉnh, thành phố.

Từ ngày 13 - 23/11, đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội xuân Nhâm Thìn năm 2012 đã tiến hành kiểm tra tại Yên Tử (Quảng Ninh); Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); Chùa Hương, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội); Đền Trần, Phủ Dày (Nam Định). Tại những nơi này công tác chuẩn bị cho lễ hội đều được các địa phương triển khai tốt, cụ thể với quyết tâm khắc phục triệt để tồn tại trong mùa lễ hội 2011./.

(Theo: TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất