Ngày 9/7, Tổng thống Bolivia Evo Morales bày tỏ mong muốn cải thiện quan
hệ với Mỹ, bắt đầu bằng việc cử đại sứ hai nước, tuy nhiên ông cũng cho
rằng “điều này sẽ không sớm diễn ra”.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trả lời báo giới tại thành phố
Santa Cruz khi tháp tùng Giáo hoàng Francis đang ở thăm quốc gia Nam Mỹ
này, ông Morales bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng
thời nhấn mạnh đại sứ mới của Washington sẽ không được phép tiến hành
các âm mưu chống lại nhân dân Bolivia.
Ông cho biết vẫn đang xem xét khả năng cử các đại sứ và thừa nhận vẫn
còn sự nghi hoặc giữa hai bên, song bày tỏ sẵn sàng đối thoại.
Theo ông Morales, Bộ Ngoại giao Bolivia đã đề xuất cuộc gặp giữa tổng
thống hai nước, tuy nhiên cho tới nay Nhà Trắng vẫn chưa có câu trả lời.
Ngày 27/6, đại diện hai bên đã nhóm họp tại thủ đô La Paz của Bolivia
trong nỗ lực làm tan băng quan hệ song phương vốn bị đình trệ từ năm
2008.
Ngày 16/6, sau chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca
cho biết hai bên đang lên lịch cho một cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống
Morales và người đồng cấp Mỹ Barack Obama.
Từ năm 2008 tới nay, quan hệ giữa Mỹ và Bolivia trở nên căng thẳng sau
khi Tổng thống Morales trục xuất Đại sứ Mỹ Philip Goldberg với cáo buộc
âm mưu chống Chính phủ Bolivia. Đáp lại, Mỹ đã trục xuất Đại sứ Bolivia
Gustavo Guzmán và ngừng các ưu đãi thuế quan dành cho quốc gia Nam Mỹ
này với lý do "thiếu hợp tác trong phòng chống ma túy."
Sau những căng thẳng trên, hai nước chỉ duy trì quan hệ ở cấp đại biện.
Ngoài ra, cũng trong năm 2008, Bolivia đóng cửa văn phòng Cơ quan Phòng
chống ma túy Mỹ (DEA) vì cho rằng cơ quan này trợ giúp các nhóm đối lập
gây bạo loạn và đòi ly khai.
Đến năm 2011, hai bên ký thỏa thuận khung về bình thường hóa quan hệ và
trao đổi lại đại sứ. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, bang giao giữa
hai nước vẫn căng thẳng.
Năm 2013, Bolivia đóng cửa Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID)
sau khi cáo buộc tổ chức này làm chính trị thay vì thực hiện các chương
trình xã hội./.
(TTXVN)