Không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác đều quan tâm khu vực này, và tiến hành nhiều bước đi nhằm gây ảnh hưởng.
Các chiến lược gia quốc tế dự báo, châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI và đang trở thành động lực chính của nền chính trị toàn cầu. Mỹ đã chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương và đang tăng cường trở lại khu vực này, nhất là từ đầu năm 2012 đến nay. Các nước lớn khác như Ấn Độ, Nga và EU cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực.
Ấn Độ với chính sách ‘Hướng Đông’
Chính sách hướng Đông đã được Ấn Độ đề ra từ năm 1992 nhưng đến những năm gần đây mới triển khai mạnh mẽ. Nhất là việc Ấn Độ có nhiều hoạt động liên quan đến việc xây dựng kinh tế và an ninh ở châu Á Thái Bình Dương.
Ấn Độ đã có hàng loạt những thỏa thuận thương mại với ASEAN, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác. Với những ảnh hưởng đặc biệt về kinh tế, Ấn Độ đang ngày càng trở nên gần gũi hơn với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
|
Bản đồ khu vực châu Á và Thái Bình Dương (ảnh: UNESCO) |
Về nội dung của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ khi mới hình thành chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế nhưng gần đây Ấn Độ đã chuyển hướng tham gia vào cả các hoạt động an ninh: Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng…
Với những động thái mạnh mẽ của Mỹ, Ấn Độ đã có những điều chỉnh đáng kể về chiến lược, thể hiện ở việc tăng cường triển khai chiến lược quốc phòng, nhất là các hoạt động của hải quân Ấn Độ, tại Đông Nam Á với nhiều mục đích: Hậu thuẫn cho chính sách “Hướng Đông”, cân bằng với các nước lớn trong khu vực; giúp hải quân thích nghi với môi trường chiến lược mới là Biển Đông; triển khai hoạt động hải quân chứng minh cho khả năng tác chiến tầm xa; ngăn chặn và kiềm chế tham vọng thái quá của các nước lớn khác.
Cho đến nay chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đã trải qua hai giai đoạn và hiện đang chuyển sang giai đoạn thứ ba, với các nội dung chủ yếu là: (1) Triển khai mạnh mẽ chính sách “Hướng Đông” thông qua mở rộng các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước trong khu vực; (2) Mở rộng nội hàm của chính sách “Hướng Đông” sang lĩnh vực an ninh có tác động liên thông Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương góp phần bảo đảm vị thế chủ đạo của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương; (3) Tìm kiếm đối tác chiến lược khu vực bao gồm cả Mỹ nhằm cân bằng lực lượng và tạo đối trọng với cường quốc khác.
Nga với chính sách ‘ưu tiên khu vực’
Ngay từ thời kỳ ông Dmitry Medvedev làm Tổng thống, Nga đã khẳng định nước này là một phần không thể tách rời của châu Á - Thái Bình Dương. Ông Medvedev nói: “Sự hợp tác với các nước khu vực trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, cũng như các quá trình liên kết khu vực là ưu tiên của chúng tôi”.
Trong chính sách ngoại giao đa phương, Nga coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Nga quan tâm tới việc hội nhập vào khu vực này trên các không gian và trong mọi cơ chế khác nhau, trước hết là việc sử dụng tiềm năng khu vực để nâng cao phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, củng cố hợp tác khu vực trong lĩnh vực chống khủng bố, đảm bảo an ninh.
Nga quan tâm đến hợp tác dài hạn với các nước khu vực trong các lĩnh vực như nhiên liệu, năng lượng, giao thông, vũ trụ, điện hạt nhân, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và hợp tác khu vực.
Với vai trò là nhà cung cấp năng lượng, nguyên liệu, có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự truyền thống và có tiếng nói quan trọng trong bảo đảm an ninh khu vực, Nga sẽ không ủng hộ ý tưởng hình thành tổ chức mới nào mà không dành cho Nga một vai trò xứng đáng.
Trong cuộc đấu tranh chiến lược này, những động thái điều chỉnh chính sách của các nước, đặc biệt là các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có vai trò và vị trí kinh tế và chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Và Nga cũng đang tham gia tích cực vào quá trình đó, đưa ra ý tưởng của mình, loại bỏ những hạn chế có trong các sáng kiến như APC và EAC.
Với chủ trương hiện đại hoá và từ bỏ sự phụ thuộc vào nguyên liệu, điều vô cùng quan trọng là biết tận dụng cơ hội để phát triển và đổi mới, những yếu tố đã làm nên tốc độ tăng trưởng ấn tượng của châu Á. Vì thế, Nga sẽ “hành động nhiều hơn nữa” cho dù Nga đã có “những lập trường đủ vững vàng” trong các tổ chức khác nhau của châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện Nga đã tham gia và hợp tác với một số tổ chức thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những hình thức và mục đích khác nhau. Giới phân tích quốc tế cho rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để Nga thể hiện vị thế và vai trò của mình trong khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ XXI.
EU với chính sách can dự ‘sức mạnh mềm’
Ông Cameron, Giám đốc Trung tâm Liên minh Âu – Á của EU đã khẳng định, năm 2012, EU đã tăng cường nỗ lực triển khai chính sách can dự "sức mạnh mềm" vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương để cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc khác.
Ông Cameron cho rằng, chính sách can dự "sức mạnh mềm" ở châu Á - Thái Bình Dương của EU được thể hiện rõ qua các hoạt động ngoại giao, thương mại và kinh tế của EU với khu vực: Ngày 9/11, Chủ tịch EU Van Rompuy và Chủ tịch EC Josse Manuel Barroso đến dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM tại Vientiane. Hai nhà lãnh đạo EU cũng đến thăm Indonesia, Timor Leste, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
Đặc biệt, bà Catherine Ashton - Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh của EU, đã tăng cường các chuyến thăm châu Á. Bà cũng ký một tuyên bố chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton để mở đường cho hợp tác EU - Mỹ ở châu Á. EU đã khai trương một văn phòng đại diện ở Myanmar, đang đàm phán thỏa thuận khung với Australia, New Zealand, Pakistan và Afghanistan…
Cũng trong năm 2012, EU đã cử một đại diện thường trực hoạt động bên cạnh ASEAN. Các quan chức cấp cao trong Cơ quan hoạt động đối ngoại của EU đã hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy đối thoại chính trị với các đối tác châu Á.
Như vậy, với vị thế và tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, không chỉ có Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược đến khu vực này mà các nước lớn khác như: Ấn Độ, Liên bang Nga, Liên minh châu Âu và các nước khác cũng đặc biệt quan tâm, khiến cho việc định hình cấu trúc an ninh khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều kịch tính có thể xẩy ra./.