Ông Y-a-nu-cô-vích khẳng định, ông không ra lệnh cho cảnh sát bắn
vào người biểu tình và không chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu
trong cuộc bạo loạn vừa qua. Ông nhấn mạnh, khu vực Crưm là một phần
của U-crai-na và cần có quyền tự trị nhiều hơn; đồng thời cho biết, kể
từ sau biến cố chính trị tại U-crai-na, ông chưa từng gặp trực tiếp
Tổng thống Nga V.Pu-tin. Ðây là lần xuất hiện đầu tiên của ông
Y-a-nu-cô-vích kể từ khi bị phế truất khỏi ghế Tổng thống và chính phủ
tạm quyền Ki-ép đưa vào danh sách truy nã quốc tế.
* Theo Roi-tơ và Tân Hoa xã, QH U-crai-na ngày 28-2 đã đề nghị Hội
đồng Bảo an LHQ tiến hành một phiên họp đặc biệt, thảo luận về tình
hình nước này. QH U-crai-na còn yêu cầu Mỹ và Anh bảo đảm chủ quyền
U-crai-na theo tinh thần Bản ghi nhớ năm 1994 đã ký với Ki-ép, trong đó
nhất trí bảo đảm an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho U-crai-na,
đổi lại Ki-ép loại bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Ki-ép cũng đề nghị
Nga không vi phạm chủ quyền lãnh thổ của U-crai-na, trong bối cảnh căng
thẳng hiện nay ở khu vực Crưm. Cùng ngày, Tổng thống lâm thời
U-crai-na O.Tu-rơ-chi-nốp đã triệu tập một phiên họp khẩn với các quan
chức an ninh nước này về tình hình tại Crưm.
* Trước đó, QH U-crai-na đã phê chuẩn danh sách chính phủ tạm quyền
do tân Thủ tướng A.Y-át-xe-ni-úc đứng đầu. Phát biểu ý kiến trước QH,
Thủ tướng tạm quyền Y-át-xe-ni-úc tuyên bố, sẽ thực thi các biện pháp
quan trọng để vực dậy nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng hiện nay, đồng
thời khẳng định, việc đạt được thỏa thuận mới với Quỹ Tiền tệ quốc tế
(IMF) có ý nghĩa sống còn với U-crai-na. Dự kiến, IMF sẽ cử một nhóm
chuyên viên tới Ki-ép tuần tới với nhiệm vụ đánh giá tình hình kinh tế
của U-crai-na, thảo luận với chính phủ tạm quyền về những cải cách cần
thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình hỗ trợ tài chính. IMF
đang tích cực thảo luận cùng nhiều đối tác về việc hỗ trợ cho U-crai-na.
* Theo Itar- Tass, phát biểu ý kiến tại một phiên họp của Ðu-ma quốc
gia (Hạ viện) Nga ngày 28-2, Chủ tịch Ðu-ma X.Na-rư-xkin nói, Hạ viện
Nga cho rằng QH U-crai-na được bầu 18 tháng trước đây mới là cơ quan
quyền lực đưa U-crai-na trở lại tính hợp hiến. Chủ tịch Na-rư-xkin nêu
rõ, Nga sẽ đề nghị Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) xem xét tính
hợp hiến của chính quyền lâm thời hiện nay ở U-crai-na.
* Ðiện Crem-li cùng ngày ra thông báo cho biết, Tổng thống Nga
V.Pu-tin đã chỉ thị Chính phủ tiếp tục thảo luận với U-crai-na về các
quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đồng thời tham vấn những đối
tác quốc tế, trong đó có IMF và G8 về chương trình viện trợ tài chính
cho U-crai-na.
* Tình hình tại nước CH tự trị Crưm thuộc U-crai-na tiếp tục diễn
biến phức tạp. Theo TTXVN, chính quyền Crưm tuyên bố sẽ tiến hành trưng
cầu ý dân về mở rộng quy chế tự trị cũng như quyền tự quyết của nước
CH có đa số dân là người gốc Nga này. Trong bối cảnh căng thẳng tại
Crưm, hiện quân đội Nga và lực lượng an ninh U-crai-na đều được đặt
trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố
tuân thủ các thỏa thuận đã ký liên quan Hạm đội Biển Ðen. Tuy nhiên,
Mát-xcơ-va khẳng định, sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của kiều dân Nga
tại Crưm. Ðại diện thường trực của Nga tại NATO A.Gru-scô cảnh báo, NATO
không nên đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc khủng hoảng ở U-crai-na.
* Theo Roi-tơ, sân bay dân sự tại Xim-phê-rô-pôn, thủ phủ nước CH tự
trị Crưm vẫn hoạt động bình thường trong ngày 28-2, mặc dù có tin nói
sân bay này bị một nhóm vũ trang kiểm soát. Theo đó, sáng cùng ngày,
khoảng 50 người có vũ trang đã chặn bên ngoài sân bay, một ngày sau vụ
một nhóm vũ trang chiếm trụ sở cơ quan lập pháp và chính quyền Crưm.