Thứ Năm, 21/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 6/11/2024 15:3'(GMT+7)

Trên 297 nghìn tỷ đồng ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Làm đường giao thôn nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: TTXVN)

Làm đường giao thôn nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7/2024, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác phân bổ 1.840,44 tỷ đồng vốn sự nghiệp và 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (nguồn vốn trong nước), còn 3/16 tỉnh là Hà Tĩnh, Kon Tum, Bình Phước chưa phân bổ hết vốn đầu tư phát triển (nguồn vốn nước ngoài) thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Đối với 369,56 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên năm 2024 dự kiến giao các bộ, ngành trung ương, đã được Quốc hội thông qua tổng vốn tại Nghị quyết số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện thủ tục thẩm định, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giao chi tiết cho các bộ, ngành trung ương để thực hiện.

Như vậy, tổng vốn ngân sách trung ương giao thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024 là 32.265 tỷ đồng (đạt 77,4% so với kế hoạch vốn giai đoạn 2021- 2025 được cấp có thẩm quyền thông báo). Trong số này, vốn đầu tư phát triển là 24.845 tỷ đồng (gồm 23 nghìn tỷ đồng vốn trong nước và 1.845 tỷ đồng vốn nước ngoài), kinh phí sự nghiệp là 7.420 tỷ đồng.

Lũy kế đến hết tháng 6/2024, cả nước huy động được trên 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 297.459 tỷ đồng (10,5%). Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 32.265 tỷ đồng (chiếm khoảng 1,1%), vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện chương trình khoảng 265.194 tỷ đồng (chiếm 9,4%); lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác khoảng 204.230 tỷ đồng (chiếm 7,2%); tín dụng hơn 2,05 triệu tỷ đồng (chiếm 72,9%); doanh nghiệp khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,4%). Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 112.729 tỷ đồng (chiếm 4%).

Bộ Tài chính cho biết, ước đến hết tháng 8/2024, vốn đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (bao gồm cả vốn đầu tư của các năm trước kéo dài sang năm 2024) giải ngân được khoảng 4.709/9.092 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch (trong đó, vốn các năm trước kéo dài sang năm 2024 giải ngân đạt khoảng 37% kế hoạch; vốn năm 2024 giải ngân đạt khoảng 55%); vốn sự nghiệp (bao gồm cả của các năm trước kéo dài sang năm 2024) giải ngân được khoảng 210,8 tỷ đồng, đạt 8% dự toán, trong đó, vốn sự nghiệp giao năm 2024 giải ngân được khoảng 11% dự toán.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình năm 2024 còn một số vướng mắc liên quan đến nguồn vốn. Để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới phải thông qua nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của 2 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, và giảm nghèo bền vững, cụ thể là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư), phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển y tế, giáo dục.

Đối với các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới không thuộc nội dung hỗ trợ của 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại (quy hoạch, môi trường, văn hóa, hệ thống chính trị,...) thì hiện nay, các tỉnh phải chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình dự án khác, cũng như huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện. Đây là khó khăn rất lớn đối với các địa phương có số lượng xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo lớn như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum..., không thể cân đối, bố trí đủ vốn ngân sách địa phương, cũng như huy động các nguồn lực khác để thực hiện.

Theo Chính phủ, một số địa phương còn chưa chủ động thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; công tác lập kế hoạch hằng năm còn chưa phù hợp với tình hình thực tế dẫn tới trong quá trình thực hiện phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao, nhất là kinh phí sự nghiệp.

Đến nay, kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ, giao các bộ, ngành trung ương thực hiện nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất