Trong khuôn khổ chuyến thăm dự kiến kéo dài 7 ngày, ông Maduro sẽ tham
dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và
vùng Caribe (CELAC) diễn ra trong hai ngày 8-9/1.
Phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia trước chuyến thăm,
Tổng thống Maduro khẳng định "đây là chuyến công du rất quan trọng...
nhằm thúc đẩy các dự án mới và nhận biết bối cảnh thực tế đang ảnh hưởng
đến nền kinh tế đất nước, trong đó có việc giảm mạnh nguồn thu do giá
dầu tuột dốc."
Vì thế, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Maduro sẽ thảo luận với
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các dự án kinh tế, tài chính, năng
lượng, công nghệ, giáo dục và phát triển.
Trước đó, Trung Quốc đã đồng ý cho Venezuela vay 42 tỷ USD trong các hợp
đồng đổi nợ lấy dầu mỏ, nhưng mới chuyển khoản 24 tỷ USD.
Sau khi thăm Trung Quốc, ông Maduro sẽ tới thăm một số thành viên của
OPEC trong nỗ lực thúc đẩy khôi phục giá dầu ở cấp cao nhất. Tuy nhiên,
hiện chưa có danh sách cũng như lịch trình các nước OPEC mà ông Maduro
sẽ tới thăm.
Tại hội nghị OPEC tháng 11 vừa qua, Venezuela đã nỗ lực thuyết phục các
nước thành viên OPEC cắt giảm sản lượng để chặn đà suy giảm giá dầu
nhưng không thành công.
Ông Maduro thực hiện chuyến công du trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela
đang gặp những khó khăn rất lớn do giá dầu thế giới giảm mạnh.
Giá dầu của Venezuela đã giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2014 khi giá dầu thô xuất khẩu cuối tháng 12 chỉ đạt 46,97 USD/thùng.
Là nước có ngành xuất khẩu dầu chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ, việc
giá dầu giảm mạnh đang gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách.
Những khó khăn này càng tăng lên khi tỷ lệ lạm phát ở Venezuela hiện
đang ở mức 63% và nền kinh tế suy giảm ba quý liên tiếp.
Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, chính quyền của Tổng thống Maduro đã
thực hiện một loạt giải pháp như thành lập quỹ dự trữ chiến lược, thành
lập ủy ban kiểm soát tỷ giá hối đoái, ra mắt hệ thống cơ quan kiểm soát
phân phối hàng hóa và lên kế hoạch thực thi "Chương trình phục hồi kinh
tế" với 7 nội dung (tập trung vào việc lập quỹ dự trữ dành cho đầu tư xã
hội, cắt giảm đầu tư và mua sắm tài sản công, hoàn thiện hệ thống hoán
đổi tiền tệ, tăng cường quỹ ngoại tệ và ổn định giá cả hàng hóa trong
nước).
Venezuela là một trong những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới
nhưng phải phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu các mặt hàng cơ bản như
lương thực, thuốc men./.
Theo TTXVN