Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 9/4/2018 15:27'(GMT+7)

Tour ‘Hát Xoan làng cổ’: Trải nghiệm độc đáo dành cho du khách

Du khách tham gia trình diễn các điệu Xoan cùng các nghệ nhân, diễn viên phường Xoan An Thái, tại đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì. (Ảnh: TTXVN)

Du khách tham gia trình diễn các điệu Xoan cùng các nghệ nhân, diễn viên phường Xoan An Thái, tại đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì. (Ảnh: TTXVN)

Nhân sự kiện, bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

- Khi tham gia tour “Hát Xoan làng cổ,” du khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động như thế nào, thưa bà?

Bà Hoa Lê: Trong tour hàng ngày này, du khách sẽ được thăm quan các điểm như lễ dâng hương Đền Hùng, đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân để tìm hiểu giá trị văn hóa vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi phát tích của người Việt.

Thăm quan Bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật là những minh chứng khoa học có liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đặc biệt, ở bảo tàng Hùng Vương hiện lưu giữ hai ngôi mộ cổ có niên đại gần 4.000 năm tuổi còn nguyên vẹn.

Về với Hùng Lô và Lãi Lèn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian ngôi đình cổ kính với rất nhiều giá trị về kiến trúc từ thời Hậu Lê còn lưu giữ tới bây giờ. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật Hát Xoan hoàn chỉnh, bao gồm ba chặng hát là hát thờ, hát quả cách và hát hội để hiểu được nét văn hóa có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương.


Du khách thưởng thức các làn điệu Hát Xoan tại đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì. (Ảnh: TTXVN)

Lối hát cổ rất mộc mạc, không có âm nhạc, chỉ có trống và phách, các đào-kép chân múa tay đưa để làm nên điệu Hát Xoan mượt mà.

Du khách còn được tham quan những ngôi nhà cổ khoảng hơn 200 năm ở làng Hùng Lô, tìm hiểu quy trình làm bánh chưng bánh dày; các làng nghề truyền thống làm mỳ, miến… Làng Hùng Lô nổi tiếng với nghề làm bánh chưng, bánh dày tế lễ Tổ hàng năm.

Ở góc chợ quê, người dân sẽ bán rất nhiều sản vật địa phương, qua đó du khách có dịp được tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt bà con nơi đây…

Tôi hy vọng những điều đó sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận về vùng đất phát tích của dân tộc, những giá trị đậm đặc còn lưu giữ trên địa bàn Việt Trì là kinh đô Phong Châu cổ của nước Văn Lang xưa.

- Với sản phẩm đặc thù như vậy, đối tượng khách mà địa phương hướng tới là gì?

Bà Hoa Lê: Trong mùa Xuân lễ hội, chúng tôi hướng tới phục vụ khách hành hương và đồng bào nhân dân cả nước. Nhưng sau mùa lễ hội, chúng tôi hướng tới khách inbound, khách đến từ châu Âu, Australia, khu vực Đông Nam Á…


Giờ học hát Xoan của học sinh Trường trung học cơ sở Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

- Ngoài tour để quảng bá Hát Xoan, phía Trung tâm có thêm hoạt động gì để xúc tiến loại hình nghệ thuật là di sản này không?

Bà Hoa Lê: Để xúc tiến loại hình văn hóa nghệ thuật này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng như ngành văn hóa sẽ tu bổ, tôn tạo các di tích thờ gốc liên quan đến thời đại Hùng Vương và có liên quan đến Hát Xoan. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đưa Hát Xoan vào trường học, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế cận của các nghệ nhân.

Ngành văn hóa cũng hướng tới phát động những đợt sáng tác dành cho các nhạc sỹ có thể dựa trên nền dân ca Xoan để sáng tác ca khúc mới, để một dòng hát Xoan cổ vẫn được bảo tồn, lưu giữ nhưng vẫn có một dòng hát Xoan mang âm hưởng thời đại nhiều hơn để đưa Xoan lên sân khấu, phát triển trên nền dân ca Xoan. Đây là hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.

Ông Nguyễn Đắc Thủy (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ):

"Với chương trình “Hát Xoan làng cổ,” cộng đồng cùng với các doanh nghiệp cùng nhau thúc đẩy sản phẩm du lịch này. Về phía nhà nước, chúng tôi sẽ tạo điều kiện về môi trường, không gian văn hóa, các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, quản lý sản phẩm, quản lý dịch vụ.

Còn đối với các nghệ nhân, các phường Xoan gốc, chúng tôi sẽ bố trí chương trình và thời gian để tham gia phục vụ trong các lịch trình tham quan của các hãng lữ hành, các tour để đáp ứng nhu cầu du khách.

Đối với các doanh nghiệp, cần nắm bắt được các giá trị của di sản đồng thời kết nối thông tin để gắn kết với các nghệ nhân, với chủ nhiệm các câu lạc bộ, các trùm phường, trưởng phường các phường Xoan để thực hiện các tour một cách hiệu quả.

Chúng tôi hy vọng rằng, các nghệ nhân, các trùm phường, trưởng phường Xoan sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động truyền dạy cũng như nâng cao kỹ năng thực hành trình diễn trước du khách, để du khách có thể có trải nghiệm tốt nhất, ý nghĩa nhất với di sản hát Xoan tại các di tích của mình".

Xuân Mai (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất