Tại buổi họp báo định kỳ vào chiều 5/9, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã làm rõ một số thông tin lan truyền trên mạng những ngày qua, trong đó có những thông tin không chính xác, sai sự thật.
Cụ thể, ông Phạm Đức Hải khẳng định, những thông tin "bắt đầu sống chung
với COVID-19 từ ngày 15/9, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được tiến
hành khi đảm bảo an toàn, việc mở cửa có lộ trình tăng dần 30 - 50 -
70%. Sở Công Thương là đầu mối hướng dẫn các công ty có quy mô cao giảm
quy mô hoặc không được hoạt động, chuẩn hóa thông tin vaccine cho toàn
bộ người dân, cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online, chuyển dần sang
dịch vụ điều trị COVID-19 có thu phí…" đều sai sự thật.
Về thông tin "chỉ những ai tiêm 2 mũi vaccine sẽ được hoạt động sau ngày 6/9 hoặc ngày 15/9",
ông Phạm Đức Hải cho biết sau khi kiểm soát dịch bệnh, Thành phố sẽ có quy định
cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động, hiện chưa có quy định cụ
thể. "Mong bà còn bình tĩnh chờ quy định cụ thể của UBND Thành phố. Thông
tin này phải được ban hành từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh", ông Phạm Đức Hải thông tin.
Một thông tin khác được dư luận quan tâm liên quan đến các phương án của
Quận 7 và huyện Củ Chi sau khi công bố kiểm soát được dịch bệnh. Ông
Phạm Đức Hải thông tin, sáng 5/9, Quận ủy, UBND Quận 7 có trình phương
án dự kiến “thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát
được dịch bệnh COVID-19, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình
thường mới”. Ông Hải nhấn mạnh, đây là phương án dự kiến và UBND Quận 7
đang xin ý kiến UBND Thành phố. Do vậy, phương án này đang chờ UBND
Thành phố thống nhất chỉ đạo.
Về quyết định thành lập 4 tổ công tác của UBND Thành phố Hồ Chí Minh (Tổ công tác
phòng, chống dịch COVID-19, Tổ công tác an sinh xã hội, Tổ công tác phục
hồi kinh tế và Tổ công tác thúc đẩy đầu tư), các tổ có nhiệm vụ chuẩn
bị nội dung, các kịch bản và giải pháp theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ
15/9-31/12 và giai đoạn 2 vào năm 2022 và những năm tiếp theo. Ông Phạm Đức Hải
nhấn mạnh đây là sự chuẩn bị nội dung và kịch bản, chưa có văn bản chính
thức, chưa áp dụng quy định nào liên quan đến phương án “sống chung với
COVID-19”.
Liên quan đến hiệu lực giấy đi đường sau ngày 6/9, Thượng tá Lê Mạnh
Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo quy định của
UBND Thành phố, nếu kéo dài thời giãn cách đến thời điểm nào thì giấy đi
đường đã cấp sẽ tự động gia hạn và kéo dài hiệu lực. Theo đó, các cơ
quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân sẽ không phải đổi giấy đi đường.
Thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí an toàn, ví dụ tiêm ngừa
vaccine, xét nghiệm, tuân thủ 5K, trong diện được lưu thông… Hiện nay
các sở liên quan đang cập nhật các dữ liệu như tiêm ngừa vaccine, bệnh
nhân COVID-19, các trường hợp cấp giấy đi đường, an sinh vào cơ sở dữ
liệu quốc gia dân cư. Khi cập nhật các dữ liệu này, Công an Thành phố sẽ
dễ dàng quản lý các đối tượng lưu thông.
Đồng thời, Công an Thành phố đang mở rộng thêm điểm kiểm soát quét mã
QR để kiểm tra diện lưu thông, khi hoàn thành sẽ không cần kiểm tra
giấy đi đường./.
Băng Tâm (VGP)