Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương cho biết: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành phong trào trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, được các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tích cực hưởng ứng.
Các địa phương tập trung đăng ký và triển khai chỉ đạo điểm ở cấp huyện và cấp xã. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng ký 63 huyện, 360 xã được chọn chỉ đạo điểm trong năm 2012 để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong giai đoạn 2013-2015. Thông qua công tác chỉ đạo điểm, nhiều tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã hiến 20,36 nghìn m2 đất để làm đường và các công trình hạ tầng ở nông thôn. Người dân xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhiệt tình tham gia phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, với khẩu hiệu “đường thẳng, ngõ thẳng”, mang lại diện mạo mới cho vùng quê này. 25 hộ ở thôn Hưng Thành, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đã hiến 5.000 m2 đất để mở rộng đường liên thôn.
Nhiều tỉnh đã ban hành các cơ chế hỗ trợ để góp phần thực hiện tốt nội dung và mục tiêu thi đua đã đề ra. Công tác quy hoạch nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Nhiều địa phương thực hiện quy hoạch đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; tích cực đào tạo nghề cho nông dân, nhất là những nơi có diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi. Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất được đẩy mạnh. Nhiều tỉnh quan tâm và có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp về công tác tại nông thôn. Đến nay đã có khoảng 60% tổng số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, 7 tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc phê duyệt quy hoạch chung: Nam Định, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An. Tỉnh Thái Bình đã hoàn thành quy hoạch chi tiết hệ thống kênh mương nội đồng, thực hiện phân vùng sản xuất nông nghiệp gắn với dồn điền đổi thửa. 11 xã chỉ đạo điểm của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2013.
Thông qua phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã huy động được 5.523 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, nhiều địa phương :Thái Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nam, Hà Giang, Sóc Trăng, đã có những cách làm sáng tạo, có chính sách hỗ trợ phù hợp nên huy động được nhiều hơn sự tham gia của người dân và cộng đồng, hình thành các phong trào ở khu dân cư về xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa, thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp.
Các bộ, ngành, MTTQ và đoàn thể các cấp cũng đã tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí thi đua đối với các đơn vị trực thuộc, trong đó có nội dung đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ làm chuyển biến rõ nét nhất một địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Bộ Quốc phòng tổ chức phát động phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới” với phương châm hành động “mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”…
Thực tiễn đã khẳng định: Việc triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, hợp lòng dân, được sự vào cuộc, hưởng ứng nhiệt tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội. Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua đang được triển khai, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện ở các địa phương. Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương cho rằng: các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cần có sự tham gia tích cực hơn nữa, bắt đầu từ việc đăng ký, triển khai hỗ trợ, phối hợp giúp đỡ các tỉnh, huyện, xã theo kế hoạch đã đề ra, để có kết quả toàn diện và bền vững, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới./.
Hương Thủy - TTXVN