Thứ Ba, 22/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 4/9/2015 15:6'(GMT+7)

TP Hồ Chí Minh: Những giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Trình bày báo cáo đề dẫn, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Trần Văn Thuận cho biết, năm 2014, TP có 107/107 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước với 36.317/36.325 người đã kê khai, đạt tỷ lệ 99,97% (8 cán bộ, công chức, viên chức chưa nộp bản kê khai do đi công tác nước ngoài, chờ nghỉ hưu, chuyển công tác khác, nghỉ việc). Tại 83 Đảng ủy cấp trên cơ sở, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp thuộc TP, có 16.576/16.583 người đã kê khai (7 trường hợp chưa nộp bản kê khai do đi công tác nước ngoài, chờ nghỉ hưu, chuyển công tác khác). Các đơn vị đều thực hiện công khai bản kê khai tài sản theo 2 hình thức: công khai trong cuộc họp và niêm yết tại đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng cấp ủy, người đứng đầu ở một số sở, ban – ngành, doanh nghiệp thuộc TP chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc kê khai và kiểm soát kê khai, thu nhập. Có nơi, công tác này còn mang nặng tính hình thức, chỉ dựa vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, chưa tạo điều kiện thuận lợi và MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân giám sát.

Một số đại biểu cho rằng, việc tổ chức triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo tinh thần Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị còn gặp nhiều bất cập, trong đó nguyên nhân chính là do chưa có quy định thống nhất của pháp luật với công tác này. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM Nguyễn Minh Trí cho rằng, việc kê khai tài sản là đúng đắn. Tuy nhiên, tính trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên khó kiểm tra, đánh giá cho đúng; việc theo dõi tăng, giảm thu nhập và tài sản lại càng khó thực hiện. Nếu không kiểm tra, giám sát, cập nhật quản lý, theo dõi và xử lý thông tin từ kê khai tài sản thì công tác này sẽ trở thành hình thức. “Cần có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm… Bên cạnh đó, nên tăng cường cán bộ chuyên trách để kiểm tra, giám sát việc kê khai thu nhập và quản lý việc kê khai tài sản” – Đồng chí Nguyễn Minh Trí kiến nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị, Nghị định số 78 của Chính phủ và Thông tri 30 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản đạt được một số kết quả bước đầu. Việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng và Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện công tác này. Cần xác định, đây là một tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác này, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các sở, ban – ngành, doanh nghiệp TP phải nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định của cấp trên và chịu trách nhiệm việc kê khai, kiểm soát công khai trong đơn vị theo quy định. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; công khai bản kê khai tài sản, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm minh những đơn vị, cá nhân chậm tổ chức, không thực hiện đúng các quy định trong công tác này.

Theo Nguyễn Nam, hcmcpv.org.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất