Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 18/10/2015 11:22'(GMT+7)

TPP và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung chưa thể phân định thắng bại

Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo đã đạt được Thỏa thuận TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo đã đạt được Thỏa thuận TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin, Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu thực sự là một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn. 

Sau 5 năm ròng rã, 12 quốc gia chiếm 40% sản lượng thương mại toàn cầu cuối cùng cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán thỏa thuận này. 

TPP được ca tụng là bước tiến đáng chú ý nhất hướng tới tự do hóa thương mại kể từ vòng đàm phán về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Uruguay năm 1995.

TPP sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng là nhân tố làm gia tăng tính cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. 

Rõ ràng, TPP không chỉ là một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại, mà còn là một công cụ phục vụ các mục tiêu kinh tế và chính trị nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á.

Năm năm đàm phán thỏa thuận, theo đó nới lỏng các quy định thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng và dịch vụ, thiết lập “tiêu chuẩn vàng” đối với lao động và hoạt động liên quan đến môi trường, là một quá trình không hề đơn giản. 

Những vấn đề nhiều khúc mắc chủ yếu xoay quanh mặt hàng bơ sữa, các điều khoản về ngành tự động hóa, ưu đãi đối với doanh nghiệp quốc doanh, các tiêu chuẩn về môi trường cũng như quyền sở hữu trí tuệ. 

Tuy nhiên, lực đẩy lớn nhất dẫn tới việc hoàn tất quá trình đàm phán là tới từ Tokyo và Washington, nhất là sau khi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập và nhiều quốc gia phương Tây hào hứng với việc gia nhập thể chế tài chính mới mà Trung Quốc khởi xướng này. 

Các nước tham gia AIIB ký kết thành lập ngân hàng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có thể nói, sự hình thành của AIIB đã ngầm phản ánh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và khả năng của quốc gia này trong việc định hình các tiêu chuẩn của môi trường đầu tư châu Á.

Việc hoàn tất quá trình đàm phán TPP đã đánh dấu một chiến thắng ngoại giao quan trọng cho cả Washington và Tokyo, bởi với TPP, họ không chỉ tạo ra một khối kinh tế để đối trọng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, mà còn có thể từ đó xây dựng các nguyên tắc hợp tác thương mại bao trùm khắp châu Á.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Được coi là một trụ cột trong chính sách “xoay trục” về châu Á của Washington, TPP có thể coi là lời khẳng định cho quyền lực của Mỹ trong khu vực này.

Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng thỏa thuận TPP không phải là “tiêu chuẩn vàng” mà Washington kỳ vọng. 

Hơn thế nữa, quá trình mà Quốc hội các nước thành viên cân nhắc để thông qua thỏa thuận này sẽ không diễn ra nhanh chóng và đơn giản, thậm chí còn có thể gặp phải những rào cản rất lớn. 

Các cuộc bầu cử ở Canada đang tới gần, và nếu Thủ tướng Stephen Harper không tái đắc cử - một khả năng rất có thể trở thành hiện thực - thì người ta khó có thể dám chắc về việc TPP vượt qua ải Quốc hội Canada.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, nơi quá trình cân nhắc TPP có thể bị chi phối bởi các cuộc bầu cử cam go sắp tới. Ứng cử viên đảng Dân chủ Hilary Clinton, người từng mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuận này trong quá trình làm Ngoại trưởng Mỹ, hiện lại tỏ ra hoài nghi về những kết quả vừa đạt được. 

Những rào cản từ môi trường chính trị nội địa có thể khiến quá trình cân nhắc thông qua TPP tại Nhật Bản và tại Mỹ bị hoãn lại tới cuối năm 2016 và cuối năm 2017.

Thế nhưng, xét cho cùng, thỏa thuận này nhiều khả năng vẫn sẽ vượt qua được các rào cản chính trị, bởi ít nhất tất cả các nước tham gia đàm phán đều sẽ được lợi từ việc hoàn thành TPP. 

Nội dung thỏa thuận vẫn chưa được công bố, song các nghiên cứu sơ bộ ước tính TPP sẽ giúp các quốc gia thành viên tăng thêm 285 tỷ USD sản lượng kinh tế vào năm 2025. 

Một nghiên cứu của Viện Peterson gần đây cho rằng sau khi hoàn tất TPP, tăng trưởng GDP tại các quốc gia châu Á như Việt Nam, Malaysia và New Zealand sẽ có bước nhảy vọt. 

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng TPP sẽ thúc đẩy sản lượng và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thiết bị điện tử, dệt may, xây dựng và máy móc tại Việt Nam, Malaysia hay phương tiện vận chuyển ở Nhật Bản.

Mặc dù vậy, ảnh hưởng của TPP không chỉ ở trong phạm vi 12 quốc gia tham gia đàm phán. Hiện, các lo ngại về thiệt hại kinh tế đã khiến Hàn Quốc tỏ ý muốn tham gia. 

Trong năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã cùng đại diện 166 doanh nghiệp tới thăm Mỹ. 

Ngay cả Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không được chào đón ở TPP, cũng không tỏ thái độ thù địch hay phản đối hiệp định thương mại tự do này.

Sau khi các nhà đàm phán TPP tuyên bố hoàn tất quá trình thương lượng, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng quốc gia này “sẽ luôn cởi mở đối với việc xây dựng các hệ thống hài hòa với những nguyên tắc của WTO và góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Nhiều người ủng hộ cải cách tại Trung Quốc đã viện dẫn TPP làm động lực để kêu gọi gia tăng các nỗ lực tự do hóa nền kinh tế nội địa, cụ thể như tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy cải cách doanh nghiệp quốc doanh và từng bước dỡ bỏ các thủ tục phức tạp hạn chế đầu tư.

Hơn thế nữa, trong những năm TPP đang được đàm phán, Trung Quốc không hề chỉ khoanh tay đứng nhìn. Lo ngại về những thiệt hại do bị cô lập khỏi nhiều thỏa thuận thương mại khu vực quy mô như TPP và Hiệp định Đối tác Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu và Mỹ, Bắc Kinh buộc phải tự mình xây dựng các cấu trúc thương mại ở châu Á. 

Trong số này phải kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận loại trừ Mỹ song có sự tham gia của các nước ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. 

Trung Quốc cũng đẩy mạng sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường,” để lấy đây làm đối trọng với TPP và giúp Trung Quốc đạt được vị trí trọng tâm trong chuỗi sản xuất châu Á và Âu-Á.

Giới phân tích cho rằng những kế hoạch tham vọng này của Trung Quốc, nếu được hoàn thành theo đúng thời hạn, sẽ có những tác động trực tiếp và nhanh chóng đối với châu Á hơn TPP bởi chúng có thể tạo ra nhiều hoạt động kinh tế tại châu Á và khu vực Âu-Á trước khi TPP chính thức có hiệu lực.

TPP là một thỏa thuận lớn, nó sẽ thúc đẩy thương mại và tăng trưởng cho châu Á, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng và hội nhập thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, TPP cũng nhấn mạnh tới sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc: cuộc chạy đua giành vị thế chi phối và định hình các nguyên tắc của thế kỷ 21. Và đây rõ ràng là một cuộc đối đầu chưa phân thắng bại./.
Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất