Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 29/10/2013 15:46'(GMT+7)

Trách nhiệm quản lý xã hội

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Từ trước tới nay, chẳng ai dám nói việc quản lý xã hội là chuyện đơn giản. Vì thế, ở đâu, cấp gì và lĩnh vực nào người ta cũng cần phải lựa chọn cho được những người có đủ cả đức và tài để đảm trách nhiệm vụ nặng nề này. Đặc biệt, xã hội càng phát triển thì việc quản lý xã hội càng trở nên khó khăn, phức tạp. Nói thế, nhưng không phải là không có giải pháp để quản lý xã hội một cách tốt nhất; bảo đảm cho mọi hoạt động trở nên nhịp nhàng, thống nhất và chặt chẽ.

Quản lý xã hội phải dựa trên các quy định của hiến pháp và pháp luật. Trong những năm gần đây, hệ thống pháp luật của nước ta đã có nhiều tiến bộ và ngày càng hoàn thiện. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nếu soi chiếu vào các văn bản pháp luật hiện hành cũng đủ cơ sở để các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước nhân dân.           

Mấy ngày gần đây, câu chuyện về việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chết khách hàng rồi mang xác vứt xuống sông Hồng thực sự gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người cho rằng, việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường hành xử như vậy là phi nhân tính, là không có đạo đức nghề nghiệp. Thật đúng, nhưng nếu các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở có những biện pháp quản lý chặt chẽ, kiên quyết ngay từ đầu việc hoạt động của cơ sở thẩm mỹ này thì chắc chắn không xảy ra chuyện đau lòng đó.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội như sập cầu, vỡ đập thủy lợi, cháy nổ… Nếu xem xét kỹ chúng ta thấy rất rõ "lỗ hổng" trong công tác quản lý của từng ngành, từng cấp, từng địa phương có liên quan. Tuy vậy, sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, các cơ quan chức năng lại tốn không ít thời gian, tiền của, công sức đi tìm trách nhiệm. Đáng nói, trách nhiệm quản lý; trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc; trách nhiệm xử lý ngăn chặn… là những việc phải được tiến hành thường xuyên, hằng ngày ngay từ cấp cơ sở. Chính vì không làm, hoặc làm hời hợt, thiếu trách nhiệm nên người ta cứ phải đi tìm vấn đề trách nhiệm mà lẽ ra có thể kết luận được ngay sau mỗi sự việc, mỗi vấn đề xảy ra trong xã hội.

Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và khắc phục bằng cách nào? Điều này không còn là mới, thậm chí không ít đề tài khoa học đã nghiên cứu, phân tích và đề xuất hàng loạt biện pháp có tính khả thi cao. Tuy nhiên, dù nghiên cứu với góc độ nào, đề cập một phần hay tổng thể, câu trả lời đầu tiên vẫn phải bắt đầu từ chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cán bộ tốt, chắc chắn đơn vị sẽ tốt. Cán bộ có trách nhiệm chắc chắn công việc ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ đạt hiệu quả cao.

Quả thật, quản lý xã hội là điều không dễ và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người. Tuy nhiên, nếu mỗi người, mỗi ngành thấy hết trách nhiệm của mình, mà trước hết là trách nhiệm trước dân, trước Đảng thì sẽ không, hoặc rất hạn chế để xảy ra những vụ việc đau lòng; chắc chắn những vấn đề tồn tại lâu nay, gây bức xúc trong đời sống xã hội cũng sẽ được giải quyết. Chỉ có phát huy tốt trách nhiệm trong quản lý xã hội của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhất là ở cơ sở, chúng ta mới hy vọng khắc phục được tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" trong công tác quản lý xã hội như hiện nay./.

Lê Long Khánh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất