Thứ Sáu, 27/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 9/2/2016 19:21'(GMT+7)

Trải nghiệm nét văn hoá độc đáo của các dân tộc giữa lòng Hà Nội

Màn biểu diễn múa của các thiếu nữ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Màn biểu diễn múa của các thiếu nữ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

“Kho báu” tiềm năng của ngành du lịch

Được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư với mục tiêu: Xây dựng một trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia nhằm “tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế”. Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đánh giá về các điều kiện, yếu tố góp phần hình thành sản phẩm du lịch tại đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm ở khu vực hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, là khu vực có lịch sử lâu đời, gắn bó trong tổng thể khu vực có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng cùng với nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng có cảnh quan đẹp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện tại của làng cũng đã được đầu tư khá tốt như hạ tầng kỹ thuật chung, bãi đỗ xe, cơ sở lưu trú, dịch vụ… đặc biệt là gần 150 công trình đại diện của 54 dân tộc và cảnh quan khu các làng dân tộc… Chính vì vậy, nơi đây có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, trong đó đặc biệt phải kể đến tài nguyên về văn hoá, sinh thái, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm hấp dẫn.

Nhu cầu du lịch luôn tìm đến những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc, các vùng, miền. Tuy nhiên, kỳ vọng của du khách muốn đi tới tận cùng những giá trị chân thực, sự nguyên vẹn và nguyên gốc. Những giá trị ấy ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện đang chỉ là những giá trị tái hiện, tạo dựng một phần đặc trưng mà tách khỏi không gian thực gắn với chiều dài lịch sử hình thành và sức sống của nó, chưa thực sự truyền tải được hết giá trị linh thiêng và phần hồn của không gian văn hóa đó.

Mặc dù vậy, với sự tập trung những giá trị văn hóa, xâu chuỗi nét giao thoa có tính tương đồng và đại diện các dân tộc, vùng, miền trong cùng một không gian có khoảng cách địa lý đủ gần trung tâm dân cư và đầu mối phân phối khách từ Thủ đô Hà Nội đã tạo nên sức hấp dẫn cho du khách có mong muốn tìm hiểu, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa tinh túy nhất của các dân tộc Việt Nam trong một thời gian ngắn khoảng 1-2 ngày.

Rõ ràng, với những lợi thế như vậy, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện đang là “kho báu” đầy tiềm năng mà ngành du lịch cần phải đánh thức…

Thưởng ngoạn sắc xuân của 54 dân tộc giữa lòng Hà Nội


Sau hơn 5 năm kể từ ngày khai trương mở cổng làng đón du khách đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đã có hơn 1 triệu lượt du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hoá, lễ hội của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, để thực sự trở thành “một trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế” như mục tiêu đề ra thì vẫn còn nhiều việc phải làm...

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần lựa chọn những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất có tính đại diện, đặc trưng, có ý nghĩa, có tầm cỡ và sức ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi nhất để tập trung đầu tư tạo dựng, trưng bày, giới thiệu và xúc tiến trở thành sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách đến với “Ngôi nhà chung”. Việc tạo dựng, tái hiện những giá trị văn hóa các dân tộc trong không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về mọi mặt, đặc biệt là sự công phu đầu tư để đạt được tính toàn vẹn của từng thiết chế văn hóa trong tổng thể đại diện bản sắc văn hóa của một dân tộc, vùng, miền, địa phương. Hơn thế nữa, do tính chất tượng trưng của những giá trị văn hóa dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nên để có đủ sức hấp dẫn du khách đến chiêm ngưỡng và thưởng thức thì đòi hỏi một quá trình thuyết phục công chúng bằng việc thông tin quảng bá tin cậy hứa hẹn về nội dung hoạt động chứa đựng những giá trị trải nghiệm hấp dẫn.

Một mùa xuân nữa lại về! Sắc xuân với muôn hoa khoe sắc và những chồi biếc đang nhú trên cành là điều mà du khách ngay lập tức có thể cảm nhận được khi đến với “Ngôi nhà chung” - một không gian sinh thái trong lành mang theo tinh khí của trời đất giúp con người cảm thấy thư thái trong những ngày đầu xuân. Và những hoạt động văn hoá, lễ hội độc đáo của các dân tộc Việt Nam được tái hiện trong Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Bính Thân 2016 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị. Du khách có thể dành cho mình những khoảng thời gian nhất định để tham quan, khám phá những nét kiến trúc, văn hoá độc đáo của mỗi dân tộc./.

Song Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất