Các tác phẩm vào chung khảo bao gồm:
- Văn xuôi: Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng; Họ vẫn chưa về, tiểu thuyết của Nguyễn Thế Hùng; Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập.
- Thơ: Trà nguội của Đặng Thị Thanh Hương; Phố đồng thảo của Chu Hồng Tiến.
- Lý luận - phê bình: Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy; Thơ – thi pháp và chân dung của Đặng Tiến.
- Dịch văn học: Nhẫn thạch tiểu thuyết của Atiq Rahimi, Pháp (Nguyên Ngọc dịch); Di sản của mất mát của Kiran Desai (Nham Hoa dịch); 11 phút của Paulo Coelho (Quý Vũ dịch).
Theo quy chế giải thưởng của Hội, tác phẩm vào vòng chung khảo được lựa chọn từ những tác phẩm xuất bản trong khoảng thời gian từ 1-7-2008 đến 30-6-2009. Các tác phẩm này đều được sàng lọc thông qua sự giới thiệu của hội viên, của các ủy viên hội đồng chuyên ngành, từ thông tin của báo chí và dư luận người đọc. Công việc xét giải được thực hiện thông qua thảo luận thẳng thắn và mang tính chuyên môn, sau đó tiến hành bỏ phiếu kín.
Kết quả, ba tác phẩm của các tên tuổi đã ít nhiều được khẳng định nhận đủ số phiếu để được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2009:
- Bút pháp của ham muốn, tập tiểu luận phê bình của Đỗ Lai Thúy, NXB Tri Thức và Trung tâm sách Thủy, 2009 (11/12 phiếu).
- Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, NXB Phụ Nữ, 2009 (9/12 phiếu).
- Nhẫn thạch, tiểu thuyết của Atiq Rahimi (Pháp), bản dịch của Nguyên Ngọc, từ nguyên bản tiếng Pháp, NXB Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam, 2009 (9/12 phiếu).
Tập tiểu luận phê bình Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy được hội đồng đánh giá cao ở việc sử dụng một cách kiên định và nhất quán phương pháp phê bình phân tâm học trong tiếp cận tác phẩm văn học. Thao tác phê bình của Đỗ Lai Thúy, khi được phương pháp thích hợp trợ giúp, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và sự thông hiểu công việc sáng tạo của đối tượng. Những chân dung và phong cách hiện ra, đặc sắc và khá thấu đáo: từ cổ điển như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan đến hiện đại như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm.
Phê bình phân tâm học không còn mới mẻ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, sự trở lại của phương pháp này sau một thời gian gián đoạn, lại khá đậm đặc trong một cuốn sách, đã gây được sự chú ý.
Phương pháp phê bình nào cũng có nhược điểm và phiến diện, nhưng cần ủng hộ việc tồn tại đồng thời những phương pháp khác nhau, cần khích lệ thích đáng đối với việc chuyên tâm sử dụng các phương pháp phê bình.
Thêm một điều cần ghi nhận: Bút pháp của ham muốn là cuốn sách có văn, sinh động và hấp dẫn, điều không dễ có ở những tập tiểu luận và phê bình văn học.
Tiểu thuyết Một mình một ngựa tiếp tục mạch đề tài về miền núi Tây Bắc là thế mạnh của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác phẩm này gợi nhớ bộ tiểu thuyết trường thiên ở giai đoạn đầu sự nghiệp của nhà văn, đã ghi dấu ấn trong dòng văn học về miền núi phía Bắc: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Trăng non, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn...
Ở Một mình một ngựa, bên cạnh những vấn đề tâm huyết được đặt ra như phẩm chất con người cách mạng, bản lĩnh và ý chí con người trước những thử thách hiểm nghèo; thì vấn đề tổ chức và quản lý trong thực tiễn vùng cao cũng được xới lên một cách quyết liệt và thấu hiểu. Những trang văn thấm đẫm cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, những rung động của tình yêu, của tình bạn, tình đồng bào làm cho tác phẩm trở nên dễ đọc và dễ chia sẻ.
Tác phẩm không phải là sự đột phá, cũng không mới mẻ so với chính nhà văn Ma Văn Kháng. Nhưng điều được ghi nhận ở đây là sự vững vàng về tay nghề tiểu thuyết, cả trong kỹ thuật và nghệ thuật, và những vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn, không né tránh. Tác phẩm cũng chứng tỏ sức bền của cây bút tiểu thuyết Ma Văn Kháng.
Bản dịch Nhẫn thạch của nhà văn Nguyên Ngọc thực sự đã giúp cho người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiếp cận tác phẩm một cách tự nhiên và thoải mái. Nhà văn người Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi kể một câu chuyện ở xứ sở gốc gác của mình, câu chuyện vừa lãng mạn vừa dữ dội, vừa hài hước vừa bi thương, hội đủ trong ấy những vấn đề lớn của kiếp nhân sinh.
Văn học Âu - Mỹ nhiều năm gần đây được trẻ hóa nhờ một lớp nhà văn nhập cư. Họ dùng ngôn ngữ của quê hương mới để mang đến cho người đọc những nội dung vừa dị biệt vừa đặc sắc của cố hương mình, lại vừa mang tính phổ biến mà cả thế gian có thể chia sẻ được.
Bản dịch Nhẫn thạch được đánh giá tốt nhờ đã chuyển tải có hiệu quả tư tưởng, nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm. Nhà văn Nguyên Ngọc những năm qua đã dịch nhiều sách biên khảo của các nhà dân tộc học nước ngoài và những tập tiểu luận văn học có giá trị, và Hội Nhà văn Hà Nội lần này trao giải cho bản dịch Nhẫn thạch để ghi nhận đóng góp của ông trong lĩnh vực dịch văn học.
Riêng về thể loại thơ, hai tác phẩm được đề cử không nhận được đủ số phiếu quá bán, cũng tức là chưa thuyết phục được hội đồng chung khảo. Hội Nhà văn Hà Nội quyết định để trống giải thưởng ở thể loại thơ và mong chờ sự khởi sắc trong năm tới.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2009./.
TG - Theo QĐND