Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là nhiệm vụ rất quan trọng và có ý nghĩa, nhằm hình thành nếp sống và các chuẩn mực đạo đức, tạo ra môi trường lành mạnh để người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa.
Do vậy, những năm qua, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế, việc làm này cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập trong xây dựng, ban hành, triển khai chính sách, cách thức chỉ đạo thực hiện.
Trước tiên, do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn vướng víu, chồng chéo nên phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nhiều nơi chưa đi vào thực chất, chưa phát huy được thế mạnh của cơ sở.
Có tình trạng mỗi địa phương hiểu theo mỗi góc độ khác nhau, nên cách triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và thiếu khoa học.
Cũng có địa phương khi thẩm định, bình xét gia đình văn hóa lại mặc nhiên đánh đồng tỷ lệ thuận với hộ nghèo!?
Việc đưa ra tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận các danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Ấp văn hóa, Ban văn hóa, Tổ dân phố văn hóa và các danh hiệu tương đương… vẫn còn quá rối rắm.
Đó là chưa kể đến hàng loạt các danh hiệu văn hóa đi kèm khác như: thư viện văn hóa, công viên văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, chợ văn minh, quán cà phê văn hóa…
Chính vì nhiều địa phương còn đặt nặng hình thức và chạy theo bệnh thành tích, dẫn đến tình trạng chất lượng các danh hiệu văn hóa chưa phản ánh đúng thực chất đời sống và chưa được người dân coi trọng.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trước đây đã được thay thế bằng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, theo đó nội dung và hình thức tổ chức các cuộc vận động cũng cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Để các danh hiệu văn hóa thống nhất, phát huy sức mạnh thực sự ở cơ sở cũng như tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ từ người dân, cần thiết phải có sự xem xét, bàn bạc thấu đáo giữa Bộ VH-TT-DL (cơ quan chủ chốt của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa) và Bộ NN-PTNT với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (cơ quan đứng đầu trong cuộc vận động Toàn đân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh).
Rất cần những chính sách lâu dài, tính bền vững và chuyển hóa theo chiều sâu của phong trào, để mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mang hơi thở cuộc sống hôm nay.
Những giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò ra sao trong đời sống kinh tế thị trường hiện nay, văn hóa một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, tình trạng trục lợi từ di sản, thậm chí xuất hiện xu hướng thương mại hóa từ di sản, những biểu hiện của mê tín dị đoan đang ngày càng phức tạp, đời sống văn hóa người dân các vùng miền còn khó khăn, còn sự chênh lệch khá lớn hay đời sống văn hóa tinh thần quá thiếu thốn, nghèo nàn của hàng triệu công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp… luôn là những vấn đề thu hút sự quan tâm.
Câu hỏi lớn có lẽ không chỉ dành riêng cho ngành văn hóa. Một khi văn hóa chưa thực sự được coi trọng, chưa được quan tâm đầu tư; một khi các chính sách pháp luật chưa xác định rõ việc đầu tư cho văn hóa là yếu tố then chốt, là vấn đề sống còn trong sự phát triển xã hội… thì khi đó, chúng ta vẫn còn trăn trở về những danh hiệu văn hóa.
Minh An (SGGP)