Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp 2016, những nội dung này đã lại vừa được đưa ra thảo luận tại cuộc Tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp” do Uỷ ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức
Bước tiến trong bình đẳng giới
Năm 1946, tại buổi biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu “Bản Hiến pháp tuy chưa toàn diện nhưng nó tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do (…), phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân”.
Từ đó đến nay, trong quá trình phát triển của đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng.
Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Chúng ta đã có thêm những điểm sáng mới trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử Đại hội Đảng bộ các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ này đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Cụ thể: Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ cấp xã chiếm 19,69% (tăng 1,59%); cấp huyện đạt 14,3% (tăng 0,3%); cấp tỉnh đạt 13,3% (tăng 1,9%); cấp Trung ương có 17/180 ủy viên chính thức, đạt 9,4% (tăng 0,8%). Đặc biệt, nhiệm kỳ này chúng ta có 3 đồng chí là nữ tham gia Bộ Chính trị, chiếm 15,7%.
Theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54/190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4/10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Timor Leste, Philippines và Lào).
Rõ ràng, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII là một sự tiến bộ rất lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ ĐBQH nữ cũng thay đổi qua từng khoá và không phải khoá sau luôn cao hơn khoá trước. Chẳng hạn, khoá X có 26,2% là nữ, khoá XI tăng lên 27,31%, khoá XII lại giảm còn 25,76% và đến khoá XIII thì chỉ còn 24,4% đại biểu nữ như đã đề cập.
Như vậy, nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu 35% trở lên ĐBQH là nữ của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa.
Nguyên nhân tỉ lệ nữ ĐBQH còn thấp so với yêu cầu
Trong phát biểu đề dẫn tại cuộc Tọa đàm, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã nêu ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ nữ ĐBQH còn thấp so với yêu cầu đề ra.
Trước hết, đó là do các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ xã hội, gia đình, của nam giới đối với phụ nữ mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn còn những nữ ứng cử viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri…
Quan điểm này cũng được Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho là nguyên nhân chính. Bà Hà cho rằng nhận thức của nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí, sự đóng góp của phụ nữ chưa đầy đủ.
“Một bộ phận nhân dân còn quan niệm phụ nữ chỉ phù hợp với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, không muốn cho phụ nữ tham gia hoạt động xã hội. Vì thế, phụ nữ chưa nhận được sự ủng hộ từ chồng hoặc những người thân trong gia đình”, theo bà Hà.
Nguyên nhân thứ hai là do công tác cán bộ nữ chưa có chiến lược cụ thể.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền nói một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia đóng góp của chị em phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là trong tham gia quản lý, lãnh đạo…
Một ví dụ cụ thể được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề cập, đó là muốn phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp thì phải bảo đảm giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Tuy nhiên, số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội, chỉ có 31% ứng cử viên là nữ. Như vậy ngay từ khi chưa tiến hành bầu cử đã biết chắc chắn không đạt mục tiêu tỉ lệ đại biểu nữ đã đề ra.
Bên cạnh đó, trong quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Chẳng hạn, nữ ứng cử viên thường phải gánh nhiều cơ cấu, dẫn đến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới. Tỷ lệ thành viên nữ thấp trong Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp địa phương có thể ảnh hưởng tới việc ai sẽ được lựa chọn trở thành người ứng cử. Nữ ứng cử viên thường phải xếp vào danh sách ứng cử cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn (thường là nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn).
Ngoài những nguyên nhân vừa nêu trên, thì có một nguyên nhân khá đặc biệt, là một trong những yếu tố quyết định của mỗi cuộc bầu cử nhưng lại ít người để ý. Đó là việc cử tri đi bầu hộ, bầu thay còn diễn ra khá phổ biến. Bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, qua theo dõi các cuộc bầu cử gần đây, việc bầu hộ, bầu thay tác động rất không tốt đến kết quả bầu cử, đặc biệt là không có lợi cho người ứng cử là nữ.
Chúng ta đều biết một quan niệm khá phổ biến (chủ yếu là ở nông thôn) vẫn đang tồn tại đó là: “Việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông”. Chính vì thế, trong các cuộc bầu cử ở hầu hết các địa phương, người đi bầu hộ, bầu thay chủ yếu là nam giới; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ảnh hưởng, chi phối đến việc sẽ bỏ phiếu cho giới nào, bà Thanh phân tích.
(Chinhphu.vn)