Thứ Ba, 24/9/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 3/7/2011 21:46'(GMT+7)

Trao đổi giải pháp giảm thiệt hại do thiên tai ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Xả lũ hồ chứa thủy điện A Vương. - Ảnh: Chinhphu.vn

Xả lũ hồ chứa thủy điện A Vương. - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại hội nghị Triển khai công tác thường trực phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2011 vừa diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk, các đại biểu đến từ 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác PCLB.

Khu vực này được đánh giá là phải hứng chịu tới 65% số các cơn bão đổ bộ vào nước ta hàng năm. Mưa bão gây nhưng thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Miền Trung và Tây Nguyên cũng là nơi có hàng ngàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện được xây dựng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy đã có quy trình liên hồ song hầu hết các hồ chứa được thiết kế với dung tích nhỏ, không có dung tích cắt lũ hạ du. Chất lượng một số hồ chứa chưa đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, công tác cập nhật, xử lý thông tin khi có áp thấp nhiệt đới và bão của các đơn vị cơ sở còn bị động, lúng túng…

Kiên trì thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”

Để chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời, ông Nguyên Xuân Diệu, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương nhấn mạnh, các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cần thực có hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ” ( gồm phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Tại Quảng Nam, nơi đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích, phương châm này luôn được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

Ông Nguyên Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã làm tốt công tác dự trữ lương thực, đặc biệt là các huyện miền núi cao như Nam Trà My, Tây Giang đã có sáng kiến lập "kho thóc tình thương”. Vì vậy, trong các năm qua, mặc dù có những lúc mưa lũ chia cắt giao thông nhiều ngày, có nơi đến 30 ngày nhưng các địa phương này vẫn đảm bảo được lương thực và các nhu yếu phẩm cho nhân dân. 

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành hồ chứa, các đại biểu đều cho rằng công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa bão hết sức quan trọng. Địa phương thực hiện tốt công tác này là tỉnh Thừa Thiên Huế. Vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm, tỉnh lập Hội đồng kiểm tra công tác PCLB tại các công trình. Trong đó, Hội đồng đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc vận hành hệ thống cửa van hồ chứa thủy điện trong mọi tình huống.

Tổ chức tổ đội ngư dân để hỗ trợ lẫn nhau

Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có số lượng tàu thuyến lớn, tính đến quí I/2011 có 5.632 tàu cá, trong đó có 1.200 tàu cá trên 90CV thường xuyên đánh bắt xa bờ ở các vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, kể cả vùng biển giáp ranh giới các nước. Do đó, Quảng Ngãi rất chú trọng công tác quản lý, thông báo thông tin và kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão.  

Tuy nhiên, để đối phó với thời tiết ngày càng phức tạp, Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi cho rằng các đơn vị liên quan cần thực hiện hiện tốt hơn nữa công tác quản lý tàu thuyền, phát huy các hình thức tổ đội ngư dân để hỗ trợ nhau trong công tác đánh bắt, cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Đặc biệt, cần phải nắm chắc phương châm bốn tại chỗ, mỗi gia đình, tổ tự quản tàu thuyền phải có phương án chủ động phòng chống thiên tai, đề phòng tai nạn, đồng thời thông báo cho các lực lượng chức năng đến ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này, theo Cục Quản lý khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), mô hình tổ hợp tác sản xuất đoàn kết trên biển đã phát huy tác dụng không chỉ trong công tác đảm bảo an toàn, mà còn có tác dụng không nhỏ trong việc đảm bảo trật tự, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển.

Cũng theo Cục Quản lý khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, âu thuyền trú bão trên các đảo để hỗ trợ cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ…/.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất