Chủ Nhật, 10/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 28/3/2018 16:17'(GMT+7)

Trao đổi nội dung hợp tác về đào tạo nghề

Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh tại buổi làm việc (ảnh CT)

Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh tại buổi làm việc (ảnh CT)

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng dục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo các Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Đào tạo thường xuyên, Văn phòng thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Về phía Tập đoàn FLC có bà Võ Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và đại diện các phòng ban của Tập đoàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết, trong năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xác định giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đưa giáo dục nghề nghiệp lên tầm cao mới, một phần tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như rà soát, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; gắn đào tạo với doanh nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Bộ nhiều cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích và thu hút doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VCCI về tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đề từng bước thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp lớn, từ đó tiến tới ký kết những thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực.

Với tinh thần hợp tác và gắn kết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Tập đoàn FLC đã trao đổi và đi sâu vào một số nội dung dự kiến hợp tác về đào tạo như: Trao đổi thông tin về hoạt động giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ; tổ chức đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ theo yêu cầu về chuẩn năng lực của các đơn vị thuộc Tập đoàn; gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Tập đoàn về tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Chia sẻ với đoàn làm việc của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bà Võ Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết: Với 16 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn FLC trở thành nhà đầu tư về bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại Tập đoàn có trên 7.000 nhân lực, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn chiếm nhiều nhân lực nhất khoảng 3.000 nhân lực, tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nông nghiệp, vàng bạc đá quý, nước giải khát.

Theo kế hoạch trong năm 2018, số lượng nhân sự của Tập đoàn sẽ tăng lên từ 1.500 đến 2.000 nhân sự. Sở dĩ có nhu cầu về nhân lực như vậy là do Tập đoàn đang mở rộng đầu tư, tháng 9 năm nay Tập đoàn sẽ đưa vào hoạt động khách sạn Grand Hotel tại Hạ Long với quy mô gần 600 phòng và Sân gôn Quảng Bình. Theo kế hoạch đầu năm 2019, Tập đoàn sẽ đưa vào khai thác tổ hợp mới tại Quy Nhơn với quy mô vào khoảng 1.500 căn hộ, khi đó nhu cầu nhân lực của Tập đoàn sẽ tăng hơn nữa.

Về tuyển dụng nhân sự, bà Võ Thùy Dương cũng cho biết đây là lĩnh vực tương đối khó khăn của Tập đoàn, đặc biệt với các khu vực đầu tư tại các địa phương trong thời kỳ cao điểm về hoạt động kinh doanh trong khi nguồn nhân lực phù hợp tại địa phương khó đáp ứng.  Phó Tổng Giám đốc FLC mong muốn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có sự hỗ trợ về công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu về nhân sự của Tập đoàn./.

Từ 01/01/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 970 trường trung cấp, cao đẳng cùng với gần 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hàng năm đào tạo khoảng 2,2 triệu lao động, trong đó khoảng 550.000 lao động trình độ trung cấp và cao đẳng ứng với gần 700 ngành, nghề trong tất cả các lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Chung Thành - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất