Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Sáu, 31/12/2021 7:58'(GMT+7)

Trao giải Hội thi Thử thách trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đối thoại với sinh viên tại chương trình. (Ảnh: TTXVN)

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đối thoại với sinh viên tại chương trình. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao lực lượng học sinh, sinh viên ngành công nghệ thông tin theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Trong tương lai, các em sẽ là nguồn nhân lực quan trọng, góp phần vào quá trình xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, phát triển nhanh và bền vững.

Do vậy, thành phố rất trân trọng, lắng nghe những ý kiến, đóng góp, đề xuất của học sinh, sinh viên về lĩnh vực AI nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực này.

Nêu một số định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy ngành phát triển lĩnh vực công nghệ AI, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực AI, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cùng với việc phát triển các cụm nghiên cứu về AI sẽ là đầu mối hiệu quả, tạo điều kiện cho sinh viên hiến kế, phát huy kiến thức kết hợp với nhà trường để tạo ra những sản phẩm đóng góp vào sự phát triển thành phố.

Do đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu ngành Giáo dục cần tính đến các cấp độ đào tạo về AI khác nhau từ nhóm tài năng, chuyên gia và học viên. Ngoài những người nghiên cứu chuyên sâu, cần đào tạo cho nhóm phổ thông hơn và người quan tâm muốn có kiến thức để khai thác, sử dụng AI ở một mức độ nào đó.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ sở đào tạo đề xuất một mô hình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và AI chuyên sâu và xuyên suốt từ bậc trung học phổ thông lên đến đại học, để sau khi tốt nghiệp lớp 12, các em học sinh, sinh viên chỉ cần được đào tạo nghiệp vụ thêm khoảng từ 1 - 2 năm là có thể trở thành chuyên viên, kỹ thuật viên trong một số lĩnh vực nhất định. Qua đó có thể rút ngắn thời gian và giảm chi phí đào tạo.

Định hướng thứ hai là thúc đẩy môi trường học tập, nghiên cứu tạo thành hệ sinh thái trong lĩnh vực vực AI. Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, ở nhiều trường đại học hiện nay đã thành lập các câu lạc bộ, cộng đồng về AI và kết nối sinh viên với chuyên gia, doanh nghiệp để kiến tạo hệ sinh thái, cùng với đó là các hội thi về AI, tin học trẻ... dành cho thanh thiếu niên.

Thời gian tới, thành phố sẽ sẽ rà soát, điều chỉnh về quy chế các hoạt động, hội thi để có cách tiếp cận mới, chọn vấn đề từ thực tiễn cuộc sống đưa vào cho cộng đồng giải quyết, từ đó phát triển thành dự án trong tương lai.

Cùng với kiến tạo môi trường, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cam kết xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng nghiên cứu về AI.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu cơ chế chính sách làm sao các đề án của cộng đồng đi vào cuộc sống, sinh viên có thể tham gia vào giải quyết bài toán của Thành phố.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nguồn nhân lực và khả năng các sinh viên trong lĩnh vực AI rất dồi dào nhưng các dự án AI hiện nay đều do doanh nghiệp lớn đấu thầu. Như vậy, cần cơ chế chính sách để các bạn tham gia vào bằng các nhiệm vụ khoa học, và các cơ chế khác để khuyến khích nhân tài.

Tại chương trình, nhiều học sinh và sinh viên ngành đã đóng góp nhiều kiến nghị và đề xuất về việc phát triển trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. 

Thanh pho Ho Chi Minh: Trao giai Hoi thi Thu thach tri tue nhan tao hinh anh 2Trao giải Nhất Hội thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Bạn Nguyễn Huỳnh Trang Nhã, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, học sinh, sinh viên nghiên cứu trong lĩnh vực AI hầu hết chưa có kinh nghiệm thực tế cũng như sự tín nhiệm nên thường gặp khó khăn trong việc kêu gọi hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức.

Từ góc nhìn của một người cán bộ Hội, Trang Nhã đề xuất các cơ sở giáo dục nên chủ động tổ chức các chương trình giao lưu, liên kết sinh viên với các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức có chuyên môn để tìm kiếm hỗ trợ về kinh phí và các vấn đề khác. Trang Nhã cho rằng, các sinh viên nên bắt đầu với các dự án có quy mô vừa và nhỏ, sau đó tập hợp thành các dự án lớn hơn, hướng đến giải quyết các vấn đề của Thành phố.

Bạn Lê Đức Thuận, sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nên thành lập trung tâm dữ liệu để không chỉ sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh mà sinh viên cả nước có thể tiếp cận và phát triển AI.

Theo Đức Thuận, nguồn dữ liệu là một trong những yếu tố để phát triển được AI, nhưng nguồn dữ liệu tại Việt Nam hiện nay vẫn khá hạn chế.

Trong bài tham luận của mình, Hồ Quốc Hùng, sinh viên Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đặt vấn đề với lãnh đạo Thành phố: “Một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra khi ứng dụng công nghệ thông tin đó chính là về vấn đề bảo mật. Làm thế nào để mang tới một hệ thống vừa có khả năng đáp ứng được các nhu cầu của người dân, vừa an toàn, đảm bảo các thông tin đời tư cá nhân không bị rò rỉ là vô cùng khó khăn. Đặc biệt là trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, kẻ xấu có thể truy cập và đánh cắp kho dữ liệu khổng lồ ấy nếu như chúng ta không thực hiện tốt công tác bảo mật.”

Đáp lại những ý kiến đóng góp của sinh viên, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đại học Quốc gia đang xây dựng chiến lược phát triển AI từ đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố. Theo đó, chiến lược hướng đến việc làm sao để tích hợp được việc giảng dạy và nghiên cứu AI từ phổ thông lên tới đại học, làm sao phải linh hoạt để học sinh học xong bậc phổ thông là có đủ kỹ năng cơ bản để đi làm và nếu cần thì có thể quay lại học nâng cao.

Bên cạnh đó, chiến lược hướng đến việc công nhận tín chỉ quốc tế từ những khóa học quốc tế, công nhận sự làm việc thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp giống như một học phần để đi học...

Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và Thành Đoàn Thành phố tiến hành trao giải Hội thi Thử thách Trí tuệ Nhân tạo (AI-Challenge) trên địa bàn Thành phố năm 2021. 

Hội thi được tổ chức theo hình thức cuộc thi khoa học nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề mới đang được quan tâm nhằm phục vụ cuộc sống. Năm nay, Hội thi được triển khai từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021, đã tiếp nhận đăng ký tham dự của 330 đội thi với hơn 1000 thí sinh đến từ nhiều nơi trên cả nước và một số nước trong khu vực.

Từ hàng trăm giải pháp của các đội thi gửi về, kết quả chung cuộc, Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức hội thi đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 12 giải Khuyến khích, 1 giải Tập thể và 3 giải Ý tưởng tiềm năng cho các thí sinh, nhóm thí sinh. Giải thưởng có tổng giá trị 180 triệu đồng./.

Thanh pho Ho Chi Minh: Trao giai Hoi thi Thu thach tri tue nhan tao hinh anh 3Các sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cùng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tại chương trình. (Ảnh: TTXVN)
 
 Hồng Giang (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất