Thứ Ba, 1/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 20/8/2009 8:22'(GMT+7)

Trao giấy phép cho mạng di động thứ tám tại Việt Nam

Đây là mạng di động thứ tám được cấp phép tại Việt Nam, cũng là mạng di động đầu tiên theo mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số được phép triển khai tại Việt Nam.

Mạng di động của Đông Dương Telecom ra đời hướng tới mục tiêu nâng cao hiệuquả sử dụng tần số tài nguyên quốc gia và giảm thiểu chi phí đầu tư của Nhà nước thông qua việc chia sẻ sử dụng chung hạ tầng mạng vô tuyến với các doanh nghiệp thông tin di động khác trên cơ sở hợp tác cùng có lợi.

Với giấy phép này, Đông Dương Telecom được phép chia sẻ sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Tổng Công ty Viễn thông quân đội (Vietel) và được chuyển vùng trong nước (roaming) với các mạng di động mặt đất công nghệ GMS (2G, 2,5G) cho khách hàng tại Việt Nam và nước ngoài.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, đây là sự kiện quan trọng trong thực hiện cơ chế chính sách phát triển dịch vụ viễn thông không băng tần, mang lại lợi ích cho người sử dụng. Trước đây, đã có mô hình thử nghiệm chính sách trong việc bán lại dịch vụ trong lĩnh vực điện thoại cố định, nhưng đây là lần đầu tiên việc bán lại dịch vụ điện thoại di động được thử nghiệm. Việc nhận giấy phép của Đông Dương Telecom thể hiện quyền lợi rất cao nhưng trách nhiệm cũng lớn trong việc thử nghiệm mô hình mới này.

Ông Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đông Dương Telecom cho biết, sau khi được cấp phép, Công ty sẽ khẩn trương xây dựng hạ tầng mạng và phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động hiện có để đưa ra dịch vụ trong thời gian sớm nhất.

Được biết, Đông Dương Telecom là doanh nghiệp Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, được thành lập và chính thức hoạt động ngày 29-1-2008. Ngoài giấy phép di động được cấp hôm nay, công ty đã được cấp đầy đủ các giấy phép thiết lập và cung cấp các dịch vụ viễn thông cơ bản.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng:
Không hạn chế cấp giấy phép vào thị trường viễn thông

Trao đổi với phóng viên bên lề lễ trao giấy phép, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định:

- Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập vào WTO, cũng như theo quy định trong dự thảo Luật Viễn thông dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp QH sắp tới, Việt Nam không hạn chế cung cấp giấy phép cho các DN vào thị trường viễn thông, không hạn chế các DN tham gia vào thị trường này. Điều duy nhất mà chúng ta bảo đảm cho hoạt động viễn thông có hiệu quả là làm sao phân bổ cho tài nguyên viễn thông như tần số, kho số… một cách hiệu quả nhất để trên cơ sở đó các DN tham gia vào thị trường.

- Ông nghĩ liệu chất lượng dịch vụ của Đông Dương Telecom có bảo đảm không khi các nhà mạng khác phải đầu tư hạ tầng rất nhiều mà vẫn chưa bảo đảm chất lượng dịch vụ của mình lại phải gánh thêm hạ tầng mạng cho Đông Dương Telecom?

- Đông Dương Telecom cung cấp dịch vụ trên cơ sở hạ tầng mạng 3G chuẩn bị cung cấp trên thị trường trong thời gian tới. Những DN có giấy phép 3G cũng phải đầu tư rất lớn để có được mạng lưới hoạt động. Nếu các DN thấy việc bán lại các dịch vụ có lưu lượng ấy vừa mang lại lợi ích thương mại, vừa sử dụng hiệu quả băng tần, vừa tiết kiệm đầu tư cho họ thì họ sẽ bán. Vì thế, những DN như Đông Dương Telecom hoàn toàn có cơ hội để cung cấp dịch vụ ra thị trường.

- Liệu còn có các mạng di động khác thành lập trên cơ sở “cấy ghép” như Đông Dương Telecom không?

- Đây là các nhà cung cấp dịch vụ di động dưới hình thức bán lại, hoàn toàn do thị trường quyết định. Đến lúc bão hòa các DN sẽ không vào nữa. Bản thân các DN bán cũng phải căn cứ vào năng lực mạng lưới của họ để xem có bán được hạ tầng hay không. Ngoài Đông Dương Telecom, VTC cũng vừa nộp giấy phép xin cung cấp dịch vụ viễn thông cho chúng tôi theo hình thức này.

- Một đất nước rộng lớn như Trung Quốc chỉ có 6 mạng di động mà ở Việt Nam đã có 8 mạng di động, như vậy theo ông có quá nhiều không?

- Chúng ta đang ở giai đoạn đầu mới mở cửa thị trường cho các DN viễn thông. Nhưng quá trình cạnh tranh trên thị trường sẽ dẫn tới như tất cả các nước trên thế giới, sẽ xảy ra hoặc là sự sáp nhập của các công ty, hoặc là rút ra khỏi thị trường, cũng không loại trừ sẽ có những công ty thất bại trên thị trường. Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ bảo đảm cho việc quy hoạch các băng tần, tài nguyên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để làm sao cho hạ tầng viễn thông được phát triển một cách bền vững nhất.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất