Thứ Năm, 28/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 4/5/2010 23:0'(GMT+7)

Trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đây là tinh thần tổng quát của dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đang được Bộ Y tế lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Nhóm 1: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển.

Nhóm 2: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Nhóm 3: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên.

Nhóm 4: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp hoặc không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ.

Dự thảo phân loại đơn vị sự nghiệp y tế thành 4 nhóm dựa trên cơ sở mức độ bảo đảm chi phí hoạt động từ các nguồn thu.

Mỗi nhóm đơn vị sẽ có cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính phù hợp để phát huy tính tích cực của đội ngũ cán bộ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động.

Đồng thời, dự thảo quy định các đơn vị phải xây dựng điều lệ tổ chức hoạt động, nhằm xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, làm cơ sở để giao dự toán, quyết định mức thu đối với các dịch vụ…, các đơn vị được phép mở rộng hoạt động dịch vụ cho phù hợp với tinh thần đổi mới, giao tự chủ.

Tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng được quy định theo hướng giao tự chủ cho đơn vị nhiều hơn. Cụ thể, nhóm đơn vị tự đảm bảo chi phí thường xuyên được tự chủ cao hơn cả về kế hoạch, biên chế,… còn nhóm đơn vị tự bảo đảm 1 phần và đơn vị do ngân sách bảo đảm thì cơ quan quản lý cấp trên vẫn phải giao kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động chuyên môn để làm căn cứ giao/phân bổ ngân sách.

Về tổ chức bộ máy, trên cơ sở Điều lệ tổ chức hoạt động đã được phê duyệt, đơn vị được quyết định thành lập hoặc tổ chức lại các khoa, phòng và tổ chức khác trực thuộc để thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn đã đăng ký hoặc được giao.

Riêng đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, do được trao quyền tự chủ nhiều hơn về tổ chức bộ máy, về hoạt động, tài chính tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên nên dự thảo quy định phải thành lập Hội đồng quản lý (tương tự như Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp) để thông qua hoặc tư vấn cho Thủ trưởng đơn vị quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động của đơn vị.

Quy định cụ thể vốn chi đầu tư phát triển

Cụ thể, đối với các đơn vị thuộc nhóm 1, nguồn vốn chi đầu tư phát triển gồm: Vốn tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, vốn vay các tổ chức tín dụng khác, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và phi chính phủ nước ngoài (NGO) theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có), quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Ngoài ra, đơn vị cũng được phép huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân (nhưng chỉ được huy động để đầu tư cho các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phương thức trả lãi với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay).

Đối với các đơn vị thuộc nhóm 2, 3 và 4, Nhà nước bảo đảm vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để các đơn vị có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đơn vị được chủ động sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để thực hiện các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà nước bảo đảm Quỹ tiền lương cơ bản và chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên cơ sở hạ tầng

Về chi hoạt động thường xuyên, đối với các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm 3, 4 tuyến huyện, ngân sách nhà nước bảo đảm 100% Quỹ tiền lương cơ bản và chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên nhà cửa, cơ sở hạ tầng.

Đối với các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh thuộc vùng miền núi, tây nguyên, ngân sách nhà nước bảo đảm tối thiểu 70% Quỹ tiền lương cơ bản và chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh thuộc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bảo đảm tối thiểu 30%. Các tỉnh, thành phố còn lại được bảo đảm tối thiểu 50%.

Riêng các đơn vị làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần: Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị trên cơ sở số lượng đối tượng và mức chi cho các loại đối tượng đơn vị đã phục vụ.

Ngoài ra, Ngân sách nhà nước cũng bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên đối với các nhiệm vụ do nhà nước giao các đơn vị sự nghiệp y tế chuyên ngành, gồm: Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe; các đơn vị làm nhiệm vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần, y khoa; các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm.

Đối với các đơn vị đang được xếp loại là đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP, được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi sang thực hiện theo nhóm 1 hoặc nhóm 2 thì được xem xét, hỗ trợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện chuyển đổi với mức tối đa bằng mức kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị năm trước liền kề năm chuyển đổi./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất