Trong
năm nay, Bộ Y tế sẽ tiến hành soạn thảo Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế
sau hơn 3 năm đưa vào thực hiện. Tại cuộc tọa đàm về BHYT do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng
Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Y tế thành
lập ban soạn thảo xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, Bộ Y tế đã
phối hợp Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu
và trình các cấp có thẩm quyền.
Theo bà Xuyên, sau khi có Luật BHYT ra
đời, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng lên, quyền lợi người tham gia
BHYT được nâng lên, chất lượng khám chữa bệnh đảm bảo, quỹ BHYT ổn định,
phát triển. Các tổ chức quốc tế đánh giá trong
thời gian ngắn Việt Nam đã thực hiện Luật BHYT rất tốt. Tuy nhiên để
thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn, sớm hơn thì Chính phủ đã
giao Bộ Y tế làm đầu mối xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cho
phù hợp với điều kiện hiện nay.
Về những điểm mới trong dự án Luật đang
được sửa đổi, bổ sung, bà Xuyên cho biết: Quan điểm sửa luật là thể chế
hóa quan điểm của Đảng về BHYT, bảo hiểm xã hội… với mục tiêu là phải
đạt được trên 70% dân số tham gia BHYT vào năm 2015, và 2020 là trên 80%
và chất lượng khám chữa bệnh của các BV phải được nâng lên, đổi mới cơ
chế tài chính. Những nội dung chưa phù hợp thực tiễn sẽ được nghiên cứu,
sửa đổi, những nội dung phù hợp cần tiếp tục phát huy. Những sửa đổi
phải phù hợp với luật liên quan như Luật khám chữa bệnh, Luật Hiến ghép
mô tạng…
Những nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
giải thích rõ Bảo hiểm y tế là như thế nào; thứ hai là chia nhóm đối
tượng giảm từ 25 nhóm đối tượng trong luật cũ xuống còn 5 nhóm; trong
luật cũng nêu rõ trách nhiệm UBND xã, phường là phải lập danh sách các
hộ gia đình tham gia BHYT.
“Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT quy định hình thức đóng
BHYT theo cá nhân như hiện nay sẽ chuyển sang đóng theo hộ gia đình. Qua
đó tránh cấp trùng lặp thẻ BHYT xảy ra như vừa qua. Dự thảo luật cũng
sẽ giao trách nhiệm cho UBND các cấp, nhất là cấp tỉnh có trách nhiệm
quản lý BHYT trên địa bàn rõ hơn. Về quyền lợi của người tham gia BHYT
cũng sẽ tăng lên. Ví dụ, chúng tôi đang dự thảo quyền lợi của người dân
trên thực tế như người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là cùng
chi trả 5% tuy nhiên có ý kiến cho rằng thực tế cần nghiên cứu những đối
tượng này để không phải cùng chi trả mà BHYT sẽ chi trả 100%”- bà Xuyên
nhấn mạnh.
Theo bà Xuyên, những nội dung như mức
đóng của người dân vẫn duy trì như mức hiện tại. Còn về giá dịch vụ y
tế, một số tổ chức quốc tế khuyến cáo BHYT nên thống nhất giá trên toàn
quốc nhưng Việt Nam cần nghiên cứu cho phù hợp. Về quỹ dự phòng thì có
một số quy định ít nhất bằng mức thu 2 quý liền kề nhưng hiện tại vẫn
chưa đủ, và tới đây ban soạn thảo sẽ thay đổi quỹ dự phòng sẽ bằng 1 quý
liền kề vì đây là quỹ ngắn hạn. Về trách nhiệm quyền hạn các bên liên
quan như Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh, UBND các cấp
cũng sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn./.
Theo VOVnews