Tại Việt
Nam, ngành AI đang vươn mình mạnh mẽ, chỉ số sẵn sàng cho AI liên tục
tăng. Trong lĩnh vực kinh tế, tổng doanh thu năm 2022 của 10 doanh
nghiệp công nghệ lớn nhất cả nước đã đạt giá trị khoảng 7 tỷ USD. Theo
chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và và Dịch
vụ công nghệ thông tin Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng
trưởng từ 30-100%, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng lên đến 2.800%.
Như
vậy, mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025 là
hoàn toàn có cơ sở. Đây là thành quả trực tiếp từ Chương trình Chuyển
đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Tuy
nhiên, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với làn
sóng tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, AI nói riêng. Trong đó,
phổ biến nhất là loại tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ AI Deepfake để
tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video nhằm giả mạo lực lượng
chức năng hoặc thân nhân của người bị hại với mục đích trục lợi và các ý
đồ xấu khác.
Thông qua Deepfake, kẻ gian sẽ quét video, hình
ảnh chân dung, giọng nói của cá nhân để tạo ra các nội dung giả mạo có
độ chân thực cao. Sở dĩ Deepfake có thể tạo ra được nhiều nội dung đánh
lừa nạn nhân vì sức mạnh của AI đến từ khả năng thu thập, xử lý dữ liệu
khổng lồ và phân tích các mẫu phức tạp. Dữ liệu số đóng vai trò quan
trọng đối với phát triển AI vì dữ liệu càng nhiều thì năng lực tính toán
của AI càng mạnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Bộ Công an đã
cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc xâm phạm cơ sở dữ liệu, nhiều vụ
việc liên quan việc ăn cắp dữ liệu cá nhân. Mặt khác, tình trạng hàng
triệu dữ liệu, thông tin cá nhân và tổ chức bị rò rỉ, mua bán công khai
như hiện nay chính là “mỏ vàng” để tội phạm công nghệ cao khai thác
triệt để.
Khi sở hữu đầy đủ các dữ liệu hình ảnh, âm thanh, thông
tin trong tay, kẻ gian có thể dễ dàng thực hiện những nội dung Deepfake
để đánh lừa nạn nhân. Do đó, dù chất lượng hình ảnh và âm thanh của các
nội dung Deepfake còn thấp, đối tượng xấu vẫn có những chiêu trò nhằm
thuyết phục nạn nhân tin vào các thủ đoạn lừa đảo, giả danh dựa trên
nguồn thông tin rò rỉ mà chúng khai thác được trên không gian mạng.
Mặc
dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo, vẫn không ít cá
nhân, tổ chức rơi vào cạm bẫy của tội phạm sử dụng AI. Nguyên nhân chủ
quan chính là sự thiếu hiểu biết, cả tin, lòng tham của người bị hại.
Không ít người sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân như số căn cước
công dân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động, địa chỉ cho
người khác để đổi lấy các ưu đãi, khuyến mại, sự thuận tiện trong sử
dụng dịch vụ. Đây là kẽ hở để tội phạm sử dụng các phần mềm Chatbot
(chương trình AI mô phỏng các cuộc trò chuyện), Deepfake gửi các thông
tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, các cuộc gọi rác...
Phần
nguyên nhân khách quan đến từ việc kẻ gian thu thập được lượng thông
tin cá nhân rất lớn từ nhiều nguồn khác nhau ở trong nước, thông qua mua
bán dữ liệu hoặc phát mã độc nhằm chiếm đoạt, đánh cắp, mã hóa loại
“tài nguyên” này. Chưa kể, do ít chú trọng đầu tư vào các giải pháp an
ninh mạng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã để lộ, lọt hàng loạt dữ liệu
nhạy cảm của khách hàng. Ngoài ra, vì mục tiêu chia sẻ lợi nhuận, một
vài doanh nghiệp cũng sẵn sàng mua đi, bán lại dữ liệu khách hàng, tạo
điều kiện cho kẻ gian tiếp cận, chiếm đoạt.
Ở mức độ nguy hiểm
hơn, trên thế giới, một số cá nhân, tổ chức đang sử dụng AI vào các hoạt
động như phát tán tin giả, tin sai sự thật nhằm mưu đồ mục tiêu cá nhân
hoặc áp dụng vào các hoạt động gián điệp, xâm phạm an ninh quốc gia.
Thực tế ghi nhận AI đã tác động rất lớn đến các cuộc xung đột vũ trang,
bất ổn chính trị diễn ra gần đây trên thế giới. Điển hình là việc mỗi
bên đều khai thác triệt để AI vào các nhiệm vụ chiến tranh thông tin,
chiến tranh phá hoại.
Chẳng hạn, không ít người Pháp đã tin Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron mắc kẹt trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và
người biểu tình ở Paris bởi ba bức ảnh được tạo ra bằng ứng dụng
Midjourney. Tương tự, một số người Mỹ đã lầm tưởng cựu Tổng thống Donald
Trump đang chạy trốn cảnh sát bởi các nội dung được tạo ra từ AI, mặc
dù người đăng tải chúng đã khẳng định những tấm hình trên đều là giả
mạo...
Trong khi đó, các phương tiện bay không người lái (drone)
được hỗ trợ AI có khả năng tự động do thám, tiến hành tấn công các mục
tiêu quân sự và hệ thống giao thông với độ chính xác cao mà không cần
con người phải trực tiếp điều khiển, vận hành.
Đáng nói, giá
thành để tạo ra phần lớn các thiết bị và phần mềm AI như vậy đang ngày
một rẻ hơn. Thậm chí, ở một số quốc gia pháp luật còn lỏng lẻo những sản
phẩm như vậy còn được chào bán công khai trên các diễn đàn trực tuyến
và sàn thương mại điện tử. Các phần mềm bất hợp pháp cũng được ngang
nhiên giao dịch trên các diễn đàn tin tặc và mạng lưới Deep Web (những
trang web không thể tìm kiếm được bằng các trình duyệt mạng thông thường
mà qua các ứng dụng riêng).
Các
hiện tượng này tuy chưa được ghi nhận tại Việt Nam nhưng chúng ta cũng
cần nâng cao cảnh giác. Trên thực tế, một số đối tượng chống phá như
Hoàng Văn Dũng (thành viên của phong trào Con đường Việt Nam, hiện đang
định cư tại Mỹ) từng thừa nhận đã chi trả cho các nền tảng mạng xã hội
để chạy các quảng cáo, thông tin sai lệch về bầu cử Quốc hội Việt Nam.
Đối
tượng này cũng được xác minh là thủ phạm trong vụ việc cắt ghép ghi âm
của Giám đốc Công an tỉnh An Giang nhằm xuyên tạc về công tác chống dịch
Covid-19. Giờ đây, với hàng loạt công nghệ ứng dụng AI trong tay, các
cá nhân, tổ chức phản động có thể khai thác, sử dụng nhằm mục đích chống
phá Đảng, Nhà nước ta ở mức độ nguy hiểm hơn.
Những nguy cơ đặt
ra cho thấy vấn đề kiểm soát AI để vừa khai thác tối đa lợi ích của AI,
đồng thời phòng ngừa rủi ro, nguy cơ mà công nghệ này tạo ra đang là
vấn đề mà các cơ quan chức năng, các nhà lập pháp Việt Nam cần chú trọng
trong xây dựng chính sách ở cấp quốc gia, quốc tế.
Thời gian
qua, một số quốc gia, tổ chức liên chính phủ đã rất quyết liệt trong
việc giới hạn sử dụng AI trong một số lĩnh vực. Như ngày 30/10/2023,
Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden công bố sắc lệnh hành pháp về AI với mục đích
đề ra những quy chuẩn trong lĩnh vực này.
Nội dung sắc lệnh gồm
sáu vấn đề cốt lõi: bảo vệ bằng sáng chế và bản quyền; cải thiện quyền
riêng tư và an toàn thông tin; quy định về sử dụng AI trong lĩnh vực lao
động; cải cách luật nhập cư để phát triển AI; thúc đẩy ngành sản xuất
chất bán dẫn; các sáng kiến về trường học, nhà ở và viễn thông. Trong
đó, quyền riêng tư và an toàn thông tin được xem là nền tảng cho niềm
tin vào các ứng dụng AI. Vấn đề này nhận được sự đồng thuận từ chính một
số tập đoàn công nghệ.
Các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về AI hết
sức lo ngại về rủi ro mà AI có thể gây ra cho sự an toàn cá nhân và an
ninh quốc gia. Thậm chí, thư kêu gọi tạm dừng việc phát triển các hệ
thống AI của tổ chức Future of Life Institute đã nhận được sự hưởng ứng
của tỷ phú Elon Musk, chuyên gia AI Yoshua Bengio và Stuart Russell...
Hay
mới đây, ngày 8/12/2023, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã
thống nhất được những điều khoản chính trong dự luật quản lý AI. Nổi bật
là việc cấm sử dụng AI đối với công nghệ nhận diện khuôn mặt hoặc các
hình thức nhận diện sinh trắc học khác, ngoại trừ một số trường hợp phục
vụ công tác hành pháp được nêu rõ trong luật. Các công ty vi phạm những
nội dung trong đạo luật này có thể đối mặt mức phạt lên đến 35 triệu
euro hoặc 7% doanh thu quốc tế của mình.
Những năm qua, Đảng và
Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý, khai thác AI
nhằm tận dụng và khai thác tối đa lợi ích cũng như hạn chế thấp nhất
những rủi ro nguy cơ mà công nghệ này mang lại. Cụ thể, Nghị quyết số
52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính
sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra yêu
cầu “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công
nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách
mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Tại bài phát biểu khai mạc Hội
nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ:
“Trí tuệ nhân tạo và một số thành tựu công nghệ mới có khả năng thay thế
con người trên một số lĩnh vực, tạo ra khối lượng thông tin, tri thức
khổng lồ và những hiệu ứng làm thay đổi cả về chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội, con người và lối sống”.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam
vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện về giám sát và quản lý
AI, giới hạn khai thác dữ liệu để phục vụ phát triển AI, chế tài xử phạt
với các hoạt động vi phạm pháp luật chưa đủ mạnh và có tính răn đe. Bên
cạnh đó, các lực lượng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng
chưa đủ lực để hoàn toàn khắc chế loại tội phạm này.
Việc ứng
dụng AI để dự đoán và phòng ngừa tội phạm, nhất là các hành vi xâm phạm
an ninh quốc gia chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức với yêu cầu của
nhiệm vụ. Đây chính là những hạn chế cần được khắc phục triệt để trong
thời gian sớm nhất để Việt Nam có thể tiến nhanh, vững chắc trong cách
mạng công nghiệp lần thứ tư./.
QUANG MINH (nhandan.vn)