Hiện nay, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành việc đăng ký xét tuyển (ÐKXT) đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 với hơn 2,57 triệu nguyện vọng. Vì vậy, ngành giáo dục đang gấp rút hoàn thiện phần mềm tuyển sinh, tập huấn cán bộ, xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu thí sinh ÐKXT… nhằm bảo đảm công tác tuyển sinh đạt hiệu quả nhất.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công khai đề án, chỉ tiêu tuyển sinh; rà soát chính sách và khu vực ưu tiên, cập nhật cơ sở dữ liệu, phần mềm phục vụ tuyển sinh. Bộ GD và ÐT đã rà soát các danh mục: Mã tuyển sinh, ngành đào tạo, các tổ hợp xét tuyển để giảm nhầm lẫn trong quá trình ÐKXT của thí sinh và tổ chức xét tuyển của các trường. Bộ GD và ÐT cũng bổ sung, điều chỉnh phần mềm tuyển sinh cho phù hợp với các quy định của quy chế tuyển sinh năm 2019; nhất là cập nhật, nâng cấp hệ thống phần mềm lọc ảo và xét tuyển.
Công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học được điều chỉnh trên cơ sở các tiêu chí về điều kiện bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng và sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo. Trong đó, các trường đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên đều công bố điều kiện bảo đảm chất lượng trong đề án tuyển sinh với các chỉ số về: Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Chủ động tham gia kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế.
Tính đến hết tháng 4-2019, cả nước có 124 trường được các tổ chức kiểm định trong nước công nhận, sáu trường được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận. Quá trình xác định chỉ tiêu cũng dựa trên kết quả quá trình sàng lọc sinh viên từ khi vào học đến khi tốt nghiệp của những năm trước đây. Vì vậy, đến tháng 4-2019, các trường đã hoàn thành xác định chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu xã hội, năng lực đào tạo của các trường với tổng số 467.492 chỉ tiêu (tăng 5,83% so với năm 2018); trong đó chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 341.840, chiếm 69,81%. Tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là 16.601 chỉ tiêu.
Theo đại diện một số trường đại học, các bước thực hiện tuyển sinh năm 2019 có sự phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, cơ sở đào tạo… Các sở GD và ÐT, các điểm thu nhận hồ sơ đã hoàn thành việc tiếp nhận, nhập thông tin ÐKXT của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD và ÐT.
Năm 2019, cả nước có 653.278 thí sinh ÐKXT (giảm 5,14% so với năm 2018); trung bình một thí sinh ÐKXT 3,94 nguyện vọng. Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, số lượng nguyện vọng ÐKXT cho thấy, thí sinh từng bước xác định được sở trường, năng lực của mình để ÐKXT vào ngành nghề theo học phù hợp.
Tình trạng đăng ký quá nhiều nguyện vọng vào quá nhiều trường đã giảm đáng kể. Ngoài ra, việc xác định, lựa chọn tổ hợp xét tuyển của thí sinh và các trường cũng khá ổn định, phần lớn vẫn tập trung vào tổ hợp truyền thống. Thực tế, hiện nay, nếu tính theo các bài thi và môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, về mặt lý thuyết có hơn 400 tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, năm 2019, chỉ có 138 tổ hợp có thí sinh ÐKXT, trong đó năm tổ hợp truyền thống chiếm khoảng 90% và 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm gần 10% tổng số nguyện vọng. Cụ thể, tỷ lệ nguyện vọng của thí sinh ÐKXT vào tổ hợp D01 (Ngữ văn, tiếng Anh, Toán) là 30,7%; tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) là 28,4%; tổ hợp A01 (tiếng Anh, Toán, Vật lý) là 12,8%; tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý) là 9,6%; tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) là 8,7%; các tổ hợp khác chiếm 9,9%.
Trong khi đó, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân Bùi Ðức Triệu cho rằng, số lượng nguyện vọng cũng như xu hướng ÐKXT của thí sinh năm 2019 tăng ở các trường tốp trên, giảm ở các trường tốp dưới cho thấy những tín hiệu tích cực trong phân luồng. Thí sinh thật sự muốn học đại học sẽ lựa chọn cơ sở đào tạo chất lượng, còn lại sẽ lựa chọn học nghề chứ không phải vào đại học bằng mọi giá.
Theo Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội Trương Tiến Tùng, bước đầu, công tác tuyển sinh năm 2019 khá suôn sẻ từ xác định chỉ tiêu, xây dựng đề án, cập nhật thông tin, ÐKXT… Trường đại học Mở Hà Nội đã tiếp nhận số liệu thí sinh ÐKXT vào trường là hơn 25 nghìn và đang triển khai phân tích, chuẩn bị phần mềm lọc ảo nhằm bảo đảm xét tuyển hiệu quả.
Thời gian tới, ngành giáo dục cần triển khai các hoạt động giải đáp các băn khoăn, thắc mắc về tuyển sinh; hướng dẫn xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh. Ðáng chú ý, các trường đại học, cao đẳng triển khai tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tuyển sinh, cử cán bộ có đủ năng lực và kinh nghiệm để trực tiếp giải đáp cho thí sinh và người dân về tuyển sinh. Các sở GD và ÐT gửi hồ sơ xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh… phù hợp quy chế tuyển sinh.
Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường sớm công bố mức điểm nhận hồ sơ và tổ chức xét tuyển bảo đảm đúng quy định, hiệu quả…
Theo Nhân dân điện tử