Ngày 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác thi Trung học Phổ thông quốc gia và tuyển sinh 2018, tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Sau ba năm triển khai với lộ trình thận trọng, đến nay, công tác tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia về cơ bản là tốt. Trong vài năm tới đây, kỳ thi tiếp tục đảm bảo sự ổn định, theo hướng ngày càng nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo trung thực, khách quan.
Để có được thành công trong việc tổ chức thi như thời gian qua, không chỉ có sự chung tay của toàn ngành giáo dục mà còn có sự giúp sức, tham gia của toàn xã hội. Trong tương lai, khi chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy, cùng với đó là việc đổi mới tương đối căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng tăng cường tự chủ mới có sự thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta cần nhận thức rõ, ngành Giáo dục đã vất vả qua nhiều năm để định hình được kỳ thi và phải khẳng định đây là kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia, không phải kỳ thi Đại học. Kỳ thi được tổ chức khách quan, trung thực, đương nhiên sẽ trở thành cơ sở tham khảo để các trường Đại học phục vụ cho công tác tuyển sinh.Trong thời điểm này và một vài năm tới, sự tham gia của các trường Đại học vào công tác tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia cùng với các Sở Giáo dục và Đào tạo là cần thiết. Song thời gian tới, các trường Đại học cần có sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo đầu ra, thay vì chỉ tập trung chất lượng đầu vào. Đây là trách nhiệm với xã hội. Vì đã một thời gian dài, chúng ta để việc thi cử không công bằng giữa các địa phương và chưa nghiêm túc. Do đó, khi các trường Đại học tham gia vào công tác tổ chức thi, không chỉ nhằm phối hợp mà còn tăng cường vai trò giám sát ở địa phương."
Với các trường Đại học, Phó Thủ tướng cho rằng, các trường không vì những yêu cầu riêng lẻ trong tuyển sinh mà làm cho công tác tổ chức thi Trung học Phổ thông quốc gia phức tạp thêm. Câu chuyện thí sinh “ảo” là bình thường, thuộc trách nhiệm giải quyết của các trường, không nên đẩy trách nhiệm này cho xã hội. Thí sinh và phụ huynh có quyền được lựa chọn môi trường học tập theo yêu cầu, do đó, thí sinh có thể trúng tuyển nhiều trường nhưng có quyền được chọn một trường.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục sát sao với các địa phương, phát huy kết quả đạt được từ các năm trước, tích cực giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong các ngày thi để Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 diễn ra tốt đẹp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Quang Nhạ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết ngành giáo dục cần cố gắng giữ được lòng tin với Chính phủ và xã hội về một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, minh bạch. Trong quá trình tổ chức kỳ thi năm nay, các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong việc tập huấn cho giám thị và những người có liên quan để nắm chắc quy chế thi, tránh những sai sót không đáng có. Đối với công tác xét tuyển, các trường chủ động xây dựng phương án, kế hoạch nhưng phải thận trọng khi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2018, Bộ đã giao cho các trường tự quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tuy nhiên, không vì thế các trường hạ thấp điểm chuẩn để tăng quy mô tuyển sinh, mà cần đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu.
Thông tin về công tác tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2018 là 925.792 em. Trong đó, tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông là 879.705. Số thí sinh tham gia xét tuyển Đại học, Cao đẳng là 688.466 em. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.
Đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị tổ chức thi đã hoàn thành. Bộ đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng về công tác tổ chức thi; hoàn thành và đưa vào sử dụng các phần mềm; hoàn thành công tác đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sơ bộ. Bên cạnh đó, Bộ hoàn thành việc lập điểm thi, phân bổ và sắp xếp phòng thi; huy động hơn 45.000 cán bộ, giáo viên từ các trường Đại học, Cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi. Tài liệu hỗ trợ nghiệp vụ tổ chức thi đã được gửi cho các Sở; đề thi đã sẵn sàng. Các địa phương đã sẵn sàng để tổ chức thành công kỳ thi./.
Theo TTXVN