Tại sao chất lượng GDPT được đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này? Bởi chất lượng GDPT không chỉ phản ánh bức tranh giáo dục của một đất nước, mà còn là cơ sở, tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Những năm qua, tuy GDPT đã có sự đổi mới đáng kể, song vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Chính lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã thừa nhận, chất lượng giáo dục mới chỉ được quan tâm ở kết quả tiếp thu kiến thức, mà chưa chú trọng đến kết quả phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; việc kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn nặng về điểm số, làm cho bệnh thành tích trong giáo dục chưa được ngăn chặn triệt để.

Nhận định của lãnh đạo ngành giáo dục có vẻ nhẹ hơn so với cách đây 5 năm, khi Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến chất lượng GDPT hạn chế là do “bệnh hình thức, hư danh… chậm được khắc phục, có mặt còn nghiêm trọng hơn”.

Bệnh thành tích, hình thức, hư danh đáng ra không nên có trong môi trường giáo dục, bởi đây là cái nôi nuôi dưỡng, vun trồng, bồi đắp, xây dựng phẩm chất, nhân cách con người. Trên thực tế, những căn bệnh này đã nhiều lần được “vạch mặt chỉ tên”, song nó vẫn là một trong những vấn nạn nhức nhối trong hoạt động giáo dục. Điều này thấy rõ nhất trong việc xếp loại học sinh giỏi cuối năm ở các trường. Thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ học sinh giỏi cuối năm ở nhiều địa phương năm sau thường cao hơn năm trước. Ví như tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ), số lượng học sinh giỏi toàn cấp có năm lên đến 400.000 em, chiếm tỷ lệ hơn 40%, thậm chí Hà Nội, Hải Phòng có năm có gần 50% học sinh xếp loại học lực giỏi trong toàn cấp. Được biết năm học 2017-2018 vừa qua, các trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) có hơn 66% học sinh THCS có học lực giỏi, hơn 71% học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp loại giỏi...

Nhiều chuyên gia giáo dục từng trăn trở: Có phải bây giờ con em chúng ta giỏi hơn các thế hệ cha anh trước đây? Xét về xu hướng phát triển, thế hệ sau thông minh, giỏi giang hơn thế hệ trước là điều bình thường, hợp quy luật và đó cũng là cái may, cái phúc của nước nhà. Nhưng thực ra cái sự “giỏi” nhanh của một bộ phận học sinh chỉ được định lượng bằng những điểm số học tập cao bất thường do nhiều trường, nhiều lớp, nhiều giáo viên chạy theo thành tích để “đánh bóng” tên tuổi của mình. Cái sự “giỏi” đó không phản ánh thực chất khả năng, trình độ học sinh cũng như làm sai lệch bản chất của mục tiêu giáo dục toàn diện.

Mục tiêu lớn nhất, bao trùm nhất của đổi mới giáo dục hiện nay là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Do đó, mấu chốt của vấn đề là không chỉ đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, mà còn phải đổi mới hình thức, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh và đánh giá thực lực của các cơ sở giáo dục. Nếu còn quá coi trọng về điểm số của học sinh hay xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thầy, cô giáo và đánh giá năng lực trường, lớp chỉ đơn thuần bằng những kết quả học sinh giỏi, học sinh lên lớp… thì căn bệnh thành tích, hư danh trong giáo dục không được triệt tiêu tận gốc. Đây cũng là nguy cơ làm chậm lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà và vì thế, giáo dục Việt Nam khó có thể hội nhập, bắt nhịp với xu thế giáo dục quốc tế./.