“Chúng ta chưa xây dựng được xã hội học tập, gắn với học tập suốt đời. Mất một thời gian chúng ta chạy theo khoa cử, nên hình thành suy nghĩ là học kém vào học nghề, thi trượt ĐH thì vào CĐ, trung cấp”
Đây là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân với báo chí về những “khoảng trống” trong công tác hướng nghiệp. Thực tế, vẫn còn không ít bậc phụ huynh cho rằng hành trang tìm việc của con em phải có tấm bằng ĐH. Trong khi đó, “khoảng trống” ít được quan tâm là: Khả năng và nguyện vọng của các em?
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân. Ảnh: Mạnh Dũng
Nhiều cử nhân tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ với bằng khá, giỏi không thể tìm được công việc đúng với chuyên môn, trình độ của mình hoặc phải làm công việc thời vụ, lao động chân tay, trái ngành, trái nghề đào tạo. Câu chuyện về cử nhân giấu bằng đi làm công nhân đã không còn là hiện tượng cá biệt. Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về tình trạng này?
Theo Bản tin thị trường lao động của Viện Khoa học lao động và xã hội quý IV-2017, mức thu nhập bình quân người lao động có trình độ ĐH là 7,7 triệu đồng/tháng, có trình độ CĐ và trung cấp là 5,7 triệu đồng/tháng và trình độ sơ cấp 6,38 triệu đồng/tháng.
Ở đây có thể thấy thu nhập tỷ lệ thuận với trình độ đào tạo, nhưng cũng không có sự chênh lệch lớn về thu nhập theo bằng cấp. Ngoài ra, gần 20% người có trình độ đào tạo cao nhưng lại làm các công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn, như: Ứng viên có bằng CĐ, ĐH nhưng đi làm những công việc đòi hỏi trình độ sơ cấp, trung cấp… Tại nhiều phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội, TP HCM, điều bất ngờ là DN đang có xu hướng tuyển nhiều lao động trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, CĐ.
Điều này có thể được lý giải một phần bởi tấm bằng không còn là quá quan trọng với khu vực dân doanh. DN cần tuyển nhân sự phù hợp hơn là nhân sự có bằng cấp cao.
Như vậy, để có được thu nhập hấp dẫn từ công việc, ứng viên sẽ phải “sở hữu” nhiều yếu tố khác chứ không đơn giản chỉ là tấm bằng ĐH, thưa ông?
Đúng vậy, chưa có bằng ĐH, người lao động có năng lực vẫn sẽ trưởng thành nhanh theo lộ trình nghề nghiệp. Khởi đầu có thể từ công nhân kỹ thuật, nhưng sau thời gian phấn đấu và học tập tiếp, cá nhân được giao nhiều vị trí quan trọng khác như thợ cả (thợ bậc cao), trưởng nhóm, trưởng ca, quản đốc... Ngược lại, nếu người lao động thiếu năng lực, không có ý chí phấn đấu, dù là có bằng ĐH, Ths... thì sẽ vẫn luôn rơi vào tình trạng bế tắc vì thiếu cơ hội thăng tiến.
Thực tế, khi xây dựng mức lương, DN luôn đưa ra mức lương gắn với vị trí công việc, năng lực và thành tích cá nhân. Đây là điều mà các nước kinh tế phát triển đã áp dụng từ lâu: Lương 3P (Position, Person, Performance).
Thực trạng này phải chăng do công tác phân luồng, hướng nghiệp của chúng ta chưa thực chất, hiệu quả, thưa ông?
Hướng nghiệp chưa tốt đúng là điểm yếu của hệ thống giáo dục chúng ta. Hai mục tiêu lớn của giáo dục phổ thông là học để làm việc và học để trở thành công dân đều chưa đạt. Các chương trình đào tạo đều chú trọng vào truyền tải kiến thức, thi cử chứ chưa phát triển năng lực toàn diện.
Có một thực tế là rất nhiều học sinh học môn nghề để được cộng điểm chứ chưa phải để được hướng nghiệp. Nhiều trường học và các thầy cô giáo vẫn lấy tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 công lập, đỗ ĐH làm tiêu chí đánh giá chất lượng của trường. Đây chính là những “khoảng trống” so với nhu cầu của xã hội.
Vậy theo ông, phải bắt đầu điều chỉnh từ đâu để khắc phục những tồn tại nêu trên?
- Điều đáng mừng là nhận thức của xã hội đang dần thay đổi. Một bộ phận các bậc phụ huynh đã quan tâm đến các yếu tố cơ hội việc làm, thu nhập, cơ hội phát triển nghề nghiệp, chi phí học tập, học lực...của con em mình trước khi cân nhắc lựa chọn nghề, chọn trường.
Về phía học sinh, giống như tại hầu hết các nước phát triển hiện nay, các em sẽ thích học các chương trình ngắn, chú trọng phát triển kỹ năng, có cơ hội việc làm sớm và có thu nhập tốt thay vì đi theo lộ trình dài.
Tuy nhiên, về phía cơ quan chức năng, việc áp đặt học sinh phải vào học nghề là không nên trong lúc này. Thay vào đó, nhiều giải pháp có thể được các cơ quan chức năng nghiên cứu, như: Đẩy mạnh dự báo nhu cầu, quy hoạch mạng lưới giáo dục các cấp, liên thông giữa các bậc đào tạo gắn với học tập suốt đời, đổi mới giáo dục hướng nghiệp, chính sách ưu tiên cho học sinh theo học nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp...
Bên cạnh đó, để phân luồng tốt, chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Khi đưa các em học sinh vào học nghề, các trường nghề phải thực sự quan tâm chăm lo, giáo dục các em toàn diện chứ không đơn thuần là kỹ năng nghề./.
Thanh Hải – M.Quang