Thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các địa phương đã nghiêm túc quán triệt, ban hành kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động vui Xuân, đón Tết. Trước, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thăm hỏi, chúc tết các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, gia đình có công, lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, trí thức, văn nghệ sĩ, các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm... Chính phủ đã xuất cấp không thu tiền hơn 7 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 9 địa phương (Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước) để hỗ trợ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và dịp giáp hạt năm 2024. Mặc dù kinh tế năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các địa phương trên toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho hơn 12,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7.656 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 666 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.785 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 2.205 tỷ đồng. Các ngành, địa phương, công đoàn, doanh nghiệp trên cả nước đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa, như: “Chuyến xe mùa xuân Tết Giáp Thìn 2024 ” “Hành trình Tết” , “Siêu thị mini 0 đồng - Tết Giáp Thìn 2024”, “Tết Nhân ái - Xuân Giáp Thìn”, “Chợ Tết công đoàn online”, “Bánh chưng xanh cho người nghèo”... Qua đó, thể hiện tình cảm, truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân đón Tết, tạo không khí vui tươi, ấm áp trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đã kịp thời quán triệt, xây dựng các văn bản chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện truyền thông, báo chí và các hình thức khác như: Panô, khẩu hiệu, treo cờ, băng rôn, cờ phướn, trang trí hoa, điện màu… Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, có tổng số 130 báo và 85 tạp chí xuất bản số ngoài số thường kỳ; gộp số, tăng trang, thay đổi khuôn khổ; xuất bản phụ trương quảng cáo để xuất bản các ấn phẩm Xuân, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước trong dịp chào đón năm mới; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch; không khí đón Tết của người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài… góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo khí thế phấn khởi, vui tươi, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2024.
Các hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với các hoạt động chào Xuân, đón Tết được các địa phương, đơn vị trên cả nước tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Dâng hương tại các địa chỉ đỏ; tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng; tọa đàm, gặp mặt đảng viên lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ; gặp mặt cán bộ, đảng viên tiêu biểu; tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ; phát động phong trào ra quân đầu năm… Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn hiến và anh hùng” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đa số ý kiến cho rằng, bài viết mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, đã khái quát các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển vẻ vang của Đảng ta trong 94 năm qua; khẳng định tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của Đảng đối với nhân dân, đất nước, dân tộc. Bài viết đã lan tỏa, khơi dậy, khích lệ, cổ vũ tinh thần toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhân lên niềm tự hào, khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; qua đó, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào chế độ và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội mừng Xuân... được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa; kiểm tra các điểm hoạt động dịch vụ văn hóa có tích chất phức tạp vào dịp trước, trong Tết như: sách báo, lịch, internet, trò chơi điện tử, karaoke, vũ trường, các tụ điểm vui chơi giải trí…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong dịp Tết cổ truyền.
“Phố Sách Xuân Giáp Thìn 2024” với chủ đề “Tri thức trao tay – Xuân vạn điều may” là địa điểm du xuân ý nghĩa, của người dân Thủ đô và du khách.
Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đạt chất lượng tốt trong dịp Tết Nguyên đán, như: Chương trình “Xuân quê hương 2024 - Thành phố Hồ Chí Minh viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”, Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh; “Lễ hội hoa Xuân 2024”, “Lễ hội văn hóa ẩm thực Tết Quảng Đà” của Đà Nẵng; Chương trình nghệ thuật đêm giao thừa “Chào Xuân Giáp Thìn 2024” của Hải Phòng… Đặc biệt, Thành phố Hà Nội lần đầu tiên tổ chức “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” với quy mô lớn (hơn 2.024 máy bay không người lái - UAV) đã tạo điểm nhấn, sự thích thú, ấn tượng, thu hút lượng lớn người dân, du khách trong và ngoài nước tới thưởng thức. Các tỉnh, thành phố đồng loạt bắn pháo hoa đêm giao thừa đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khí thế mới và khát vọng phát triển trong thời khắc đón chào năm mới. Ngay từ những ngày đầu năm, lượng khách du lịch đến các điểm danh lam, thắng cảnh, tâm linh tăng cao là tín hiệu tích cực báo hiệu một năm mới khởi sắc của ngành du lịch.
Đón Tết Giáp Thìn 2024, lượng bà con kiều bào về quê hương đón Tết đông hơn so với Tết Quý Mão 2023 và lượng kiều hối chuyển về Việt Nam cũng đạt mức cao, ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước, đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có phần ảm đạm, lạm phát, tăng trưởng chậm hơn so với nhiều năm trước.
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1,8 triệu khách đến vui chơi, tham quan tại các khu du lịch trên địa bàn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế ước đạt khoảng 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt khoảng 6.550 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội đón gần 200.000 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tổng thu từ khách du lịch đạt 725 tỉ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đà Nẵng đón hơn 400.000 lượt du khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 177.000 lượt, tổng doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 1.580 tỉ đồng…
|
Có thể khẳng định, nhìn chung, cán bộ, đảng viên và nhân dân đón Tết với tâm trạng phấn khởi về những kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh, phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực; bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng, mong đợi những điều tốt lành sẽ đến với đất nước, gia đình, bản thân trong năm mới 2024. Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho mọi nhà, mọi người đều có Tết đầy đủ, đầm ấm.
Nhân dân đánh giá cao các cấp, các ngành đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường đấu tranh, trấn áp, phòng chống các loại tội phạm, cho vay nặng lãi; bình ổn thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong dịp Tết; tổ chức các lực lượng ứng trực nhằm bảo đảm an ninh trật tự, xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc thông suốt…
Trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024.
Chỉ đạo, định hướng báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các nhiệm vụ và kết quả đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; chú trọng phản ánh, thông tin về không khí vui Xuân của nhân dân; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần, khí thế mới của Xuân Giáp Thìn, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngay quý I năm 2024.
Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội; tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm. Tích cực tuyên truyền đảm bảo trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời định hướng xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh. Tăng cường rà soát, đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, xử lý thông tin xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Bảo Châu