Chiều 13/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với
lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể chính trị-xã hội để triển khai
kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm
2016.
Đẩy mạnh thanh tra, giám sát an toàn thực phẩm
Ngày 30/3/2016, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm
an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện chương trình sau khi thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan có
liên quan và được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng kế hoạch phối hợp vận
động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016.
Theo kế hoạch, các bộ, ngành Trung ương giúp Thủ tướng Chính phủ phối
hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
chính quyền địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp
luật về an toàn thực phẩm; biên soạn các tài liệu hướng dẫn quy trình
sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; ban hành tiêu chí an toàn thực
phẩm đồng bộ với tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan đẩy mạnh công tác truyền thông về
bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối
hợp cung cấp thông tin kết luận thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về an toàn thực phẩm; biên soạn, cung cấp tài liệu phổ biến, giáo
dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực an
toàn thực phẩm.
Việc giám sát thí điểm việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm sẽ
được thực hiện trong quý 3, 4/2016 đối với các hoạt động: quản lý Nhà
nước của một số bộ, ngành trung ương và chính quyền các thành phố; các
doanh nghiệp sản xuất hóa chất, vật tư nông nghiệp có quy mô lớn; các
chợ đầu mối đấu giá nông, hải sản vùng trọng điểm; việc kinh doanh thực
phẩm tại trung tâm thương mại lớn; hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên
giới; về an toàn thực phẩm đối với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm; việc đăng ký, thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh
nông sản, thực phẩm an toàn đối với các hộ gia đình tại Hà Nam, Thanh
Hóa, Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Lào Cai, Lạng Sơn
và ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ...
Các ý kiến tại hội nghị nhận định, nước ta hiện có khoảng 9 triệu hộ sản
xuất, 600.000 hộ kinh doanh. Việc để các hộ sản xuất, kinh doanh này
bảo đảm an toàn thực phẩm là rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ
thống chính trị, nhất là các đoàn thể. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn
Thanh Long, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là chính
quyền địa phương các cấp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Mỗi bộ, ngành cần có hướng dẫn riêng cho từng ngành hàng của mình. Khi
phát hiện vi phạm, cần phải công khai kịp thời để người dân biết, tẩy
chay thực phẩm bẩn. Thứ trưởng đề nghị cần đẩy mạnh công tác thanh tra,
kiểm tra, xử phạt các vi phạm, bởi mỗi năm có khoảng 500.000 cơ sở sản
xuất, kinh doanh được kiểm tra nhưng mức độ xử phạt không nhiều.
Vì vậy, vừa qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ thí điểm thanh tra an toàn
thực phẩm cấp xã, phường; tới đây sẽ nhân rộng để bảo đảm xử phạt nghiêm
khắc, kịp thời các vi phạm. Cùng với đó, công tác truyền thông rất quan
trọng - cần giáo dục, vận động nhân dân về thuyết nhân quả; nếu sản
xuất bẩn, kinh doanh bẩn thì con cháu họ cũng sẽ phải ăn bẩn, uống bẩn.
Để chuyển biến về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Vũ Văn Tám nêu quan điểm trách nhiệm thực thi ở cơ sở là
rất quan trọng, cần nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền
các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức về an
toàn thực phẩm; xây dựng được chuỗi sản xuất an toàn...
Phấn đấu đến hết 2016, 50% hộ sản xuất cam kết sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc kéo
dài, đây là việc không thể làm trong 1 năm, mà phải ít nhất 5 năm mới
tạo chuyển biến căn bản.
Chủ tịch nêu rõ, không thể chỉ có Mặt trận thực hiện mà cần sự chung tay
của các tổ chức đoàn thể, các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, việc chuẩn
bị các điều kiện căn bản để triển khai hiệu quả là rất cần thiết. Trước
hết, cần tạo chuyển biến trong sản xuất an toàn, trong đó vận động
người sản xuất trở thành người sản xuất an toàn, trở thành người đồng
hành cùng cơ quan quản lý để bảo đảm an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra là
người trong cuộc cần thay đổi nhận thức về sản xuất an toàn, muốn thế
phải đẩy mạnh sự vận động.
Trong quý 3/2016, các bộ, ngành cần ban hành xong hướng dẫn quy trình
sản xuất, kinh doanh sạch, qua đó vận động, hướng dẫn người dân sản xuất
sạch. Sau khi có hướng dẫn, vận động mà vẫn diễn ra tình trạng sản xuất
bẩn sẽ có chế tài xử lý.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh quan trọng nhất là cần vận động để
thay đổi nhận thức; cùng với đó, Nhà nước tăng cường quản lý, đoàn thể
giám sát để bảo đảm lợi ích người dân theo quy trình cụ thể. Các bộ,
ngành xây dựng quy trình giám sát, Mặt trận sẽ thực hiện giám sát thực
hiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
đề nghị ngay sau khi có kế hoạch thống nhất, các bộ, ngành cần tập trung
hướng dẫn triển khai theo ngành dọc. Việc xây dựng chế tài xử phạt sẽ
được thực hiện theo từng bước, tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí
Minh.
Năm tổ chức chính trị-xã hội, Liên minh hợp tác xã Việt Nam cần tuyên
truyền vận động đối với từng hộ dân, trong đó quan trọng nhất là xã hội
cần lên án những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm; khơi dậy "Tòa án
lương tâm" - xây dựng văn hóa: người Việt Nam không đầu độc người Việt
Nam...
Kết thúc năm 2016, các bộ, ngành Trung ương cần hoàn thành việc rà soát,
điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn sản
xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tạo chuyển biến và các điều kiện
pháp lý để năm 2017 triển khai đồng bộ ở các tỉnh thành trên cả nước./.
TTXVN