Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh Hiến pháp năm 2013 phản ánh
kết quả đổi mới tư duy chính trị, nhận thức lý luận và năng lực lãnh
đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với con đường phát triển của đất
nước.
“Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam” là chủ đề của Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10 do Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đồng tổ chức sáng 3/4 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam bà Pratibha Mehta, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Viêt Nam bà Louise Chamberlain đồng chủ trì Diễn đàn.
Khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh Hiến pháp năm 2013 phản ánh kết quả đổi mới tư duy chính trị, nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với con đường phát triển của đất nước. Đây cũng là hiện thân của tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước và dân chủ hóa đời sống chính trị- pháp lý của xã hội Việt Nam. Bộ trưởng cho biết với nhiều điểm mới quan trọng cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp đã mở ra không gian rộng lớn nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế- xã hội.
Theo bà Pratibha Mehta, Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các luật và quy định để đảm bảo các nguyên tắc xuyên suốt trong những sửa đổi này là công bằng, hiệu quả và cam kết bảo vệ quyền con người được hiện thực hóa cho tất cả mọi người.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết việc rà soát toàn bộ các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Hiến pháp có hiệu lực để sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan. Theo rà soát sơ bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, số lượng các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để triển khai thi hành Hiến pháp rất lớn gồm 88 dự án luật, pháp lệnh (không kể các đạo luật về thuế) phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Dự kiến, số luật, pháp lệnh do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 82 văn bản, tập trung cao điểm vào các năm 2014-2016. Tổng số dự án luật, pháp lệnh về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân dự kiến được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới là 28 luật.
Nói về nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2014, ông Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách- Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho biết công tác cải cách tư pháp tập trung xây dựng các đề án phục vụ việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Cụ thể là Đề án chi tiết về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân 4 cấp và một số vấn đề quan trọng của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Đề án chi tiết về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân 4 cấp và một số vấn đề quan trọng của dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Đề án mô hình tố tụng dân sự Việt Nam…
Tại Diễn đàn, cùng với các luật gia Việt Nam, đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc đã bình luận bổ sung ý kiến về quan điểm của các cơ quan Liên hợp quốc đối với triển khai Hiến pháp năm 2013 trong mối quan hệ với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Diễn đàn đối tác pháp luật được tổ chức trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”./.
Theo TTXVN