Không chỉ là cơ hội để người tự kỷ và gia đình họ được ghi nhận, lắng
nghe và thấu hiểu, triển lãm sẽ góp phần thu hút sự quan tâm và thấu
hiểu từ cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ và những người đam mê nghệ
thuật nhiếp ảnh, cũng như của những người làm truyền thông để truyền tải
tới công chúng những hình ảnh, thông điệp đúng và nhân văn về tự kỷ và
khuyết tật phát triển.
Triển lãm ảnh Nhìn | Picturing Autism Vietnam của nhiếp ảnh gia Debbie
Rasiel sẽ khai mạc ngày 26/3, tại MAM-Art Project, Tầng 5 Bảo tàng Phụ
nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Trong những năm qua, rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorders) đang
ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng, nhờ những nỗ
lực bền bỉ của các gia đình có người tự kỷ, các nhà chuyên môn và các tổ
chức xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản đối với việc hòa nhập cộng đồng
và đảm bảo quyền lợi và bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo
dục, cơ hội việc làm… dành cho người tự kỷ và gia đình các em.
Một trong số những rào cản đó đến từ việc cộng đồng chưa có những nhìn
nhận đúng đắn và sự thấu hiểu, thậm chí có sự kỳ thị và phân biệt đối xử
đối với tự kỷ nói riêng và các dạng khuyết tật phát triển nói chung.
Đối với nhiều gia đình, việc có một thành viên - một đứa con tự kỷ - vẫn bị coi là “gánh nặng” và là một điều đáng xấu hổ.
Không những vậy, với những đặc trưng của tự kỷ là khó khăn trong giao
tiếp và tương tác xã hội, cộng đồng người tự kỷ và gia đình không có
cách nào để nói lên tiếng nói của mình.
Dự án Picturing Autism - Chụp ảnh về người tự kỷ của Debbie Rasiel,
nhiếp ảnh gia và một người mẹ có con tự kỷ, ra đời như một chiếc cầu nối
giữa hai thế giới: nghệ thuật và tự kỷ.
Trong suốt ba năm qua, Debbie đã đi tới nhiều nơi trên thế giới để ghi
lại những trải nghiệm về tự kỷ trong nhiều bối cảnh văn hóa, xã hội,
kinh tế khác nhau.
Tại Việt Nam, điểm dừng chân thứ sáu của hành trình, triển lãm Nhìn |
Picturing Autism Vietnam sẽ lần đầu tiên trưng bày những bức chân dung
khổ lớn về người tự kỷ và gia đình, được chụp tại tại ba thành phố Hạ
Long, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày các những tác phẩm chụp tại New
York, Mexico, Peru, Iceland và Indonesia, để khắc họa một cách chân thực
nhất tự kỷ từ câu chuyện về những người đã và đang sống cùng tự kỷ ở
khắp nơi trên thế giới, về những người cha mẹ luôn yêu thương những đứa
con của họ ngay cả khi xã hội không muốn chấp nhận chúng, và vẫn tiếp
tục sống.
Triển lãm được trưng bày theo ba chủ đề chính: Trường học, Gia đình, và
Tương lai của người tự kỷ. Những người tới xem triển lãm có thể nhìn
ngắm, kết nối và có những trải nghiệm không ngờ khi mặt đối mặt với các
bức ảnh về tự kỷ như các tác phẩm nghệ thuật.
Không những là cơ hội để người tự kỷ và gia đình họ được ghi nhận, lắng
nghe và thấu hiểu, triển lãm sẽ góp phần thu hút sự quan tâm và thấu
hiểu từ cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ và những người đam mê nghệ
thuật nhiếp ảnh, cũng như của những người làm truyền thông để truyền tải
tới công chúng những hình ảnh, thông điệp đúng và nhân văn về tự kỷ và
khuyết tật phát triển.
Trưng bày sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều trong thời gian
26/3-9/4 tại MAM - Arts Project, Tầng 5, Bảo tàng Phụ Nữ, số 36 Lý
Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Mạng lưới
Người tự kỷ Việt Nam (VAN) và Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội phối hợp tổ chức, Quỹ Grand Challenges Canada hỗ trợ tài
chính, nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Việt Nam nhận thức chứng
tự kỷ lần thứ 1 - ngày 2/4./.
(Vietnam+)