(TG) - Chủ tịch Souphanouvong là nhà lãnh đạo cách mạng trung kiên, suốt đời cống hiến cho độc lập dân tộc và phồn vinh của đất nước Lào, là người con ưu tú của nhân dân Lào, người bạn thân thiết, thủy chung của nhân dân Việt Nam.
Sáng ngày 19/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Kaysone Phomvihane phối hợp tổ chức triển lãm với chủ đề: “Chủ tịch Souphanouvong - Người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Souphanouvong.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Chủ tịch Souphanouvong là nhà lãnh đạo cách mạng trung kiên, suốt đời cống hiến cho độc lập dân tộc và phồn vinh của đất nước Lào, là người con ưu tú của nhân dân Lào, người bạn thân thiết, thủy chung của nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, ông đã từng học tập, sinh sống, làm việc, hoạt động nhiều năm ở Việt Nam. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đã đặt nền móng, dày công vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Triển lãm trưng bày gần 100 hình ảnh, tài liệu, hiện vật nhằm giới thiệu tới công chúng những dấu ấn tình bạn sâu đậm do Chủ tịch Souphanouvong đã khắc ghi trên đất nước Việt Nam, qua đó thể hiện tình hữu nghị lâu dài, bền chặt giữa nhân dân hai nước anh em Việt Nam - Lào. Triển lãm là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Triển lãm gồm ba phần.
Phần thứ nhất có chủ đề: “Học tập và làm việc ở Việt Nam - Khởi đầu tình bạn thủy chung (1920 – 1945)”, trưng bày khái quát những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Hoàng thân Souphanouvong từ thời niên thiếu cho đến giai đoạn trưởng thành.
Thời niên thiếu, Hoàng thân Souphanouvong đã sinh sống, học tập 10 năm tại Hà Nội. Sau khi hoàn thành tốt nghiệp tú tài toàn phần ở Việt Nam, ông tiếp tục sang Pháp du học tại Đại học Quốc gia cầu đường Paris, tốt nghiệp đại học và trở thành kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương.
Trở về Đông Dương, ông đã được bổ nhiệm tại Việt Nam, công tác ở Sở Công chính Trung kỳ. Với tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, ông dành tất cả tâm huyết cho việc thiết kế, xây dựng nhiều công trình thủy lợi trên đất Việt Nam.
Tiêu biểu trong đó là: Đập Bái Thượng ở Thanh Hóa, đập thủy lợi Đô Lương - Nghệ An, tháp nước Phan Thiết, biểu tượng của tỉnh Bình Thuận… đều là những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, thể hiện sự gắn bó sâu nặng giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Phần thứ hai có chủ đề: “Sát cánh vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam - Lào - Thắt chặt tình bạn son sắt (1945 - 1995)”, giới thiệu tới công chúng những hình ảnh, tài liệu về những dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ ngoại giao, tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào; mối quan hệ đặc biệt, đoàn kết gắn bó keo sơn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong chung tay gây dựng.
Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, Chủ tịch Souphanouvong luôn mang nặng ân tình với Bác Hồ kính yêu và tình cảm của ông với nhân dân Việt Nam ngày càng sâu đậm. Cùng với thời gian, mối quan hệ của hai quốc gia luôn được Hoàng thân quan tâm chăm lo xây dựng, vun đắp để ngày càng xanh tươi, bền vững. Ông đã trở thành tấm gương sáng ngời, một hiện thân cao đẹp của tình đoàn kết keo sơn, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào.
Phần thứ ba với chủ đề: “Tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi” trưng bày khái lược nội dung về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, đã trải qua hơn 70 năm và ngày càng được thắt chặt hơn bao giờ hết, trước hết là nhờ công lao dựng xây, vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong.
Cùng với thời gian, mối quan hệ của hai quốc gia luôn được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp với mục đích tăng cường hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, kiên trì định hướng quan hệ hữu nghị đặc biệt, thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của cả hai bên.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn những công lao to lớn, tình cảm thủy chung son sắt của Chủ tịch Souphanouvong dành cho nhân dân Việt Nam. Tình cảm này đã và sẽ mãi mãi ngời sáng trên con đường xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Triển lãm mở cửa rộng rãi cho du khách trong vào ngoài nước tham quan bắt đầu từ ngày 19/7/2019./.
Tóm tắt tiểu sử Chủ tịch Xuphanuvông
Chủ tịch Xuphanuvông sinh ngày 13/7/1909 trong một gia đình hoàng tộc tại Luông Pha Băng, mất ngày 9/01/1995 tại Viêng Chăn. Ông là con trai của Hoàng thân Bun Khoong, Phó vương cuối cùng của Vương quốc Luông Pha Băng, một trong ba tiểu quốc Lào.
1909 – 1920: Lớn lên tại Hoàng cung Luông Pha Băng
1920 – 1931: Học sinh Trường trung học Anbe Xarô, Hà Nội
1931 – 1937: Sinh viên Đại học quốc gia Cầu đường Pari, Pháp
1937 – 1945: Kiến trúc sư trưởng Sở Công chính An Nam Trung kỳ ở Nha Trang và Vinh
1945 – 1949: Hoạt động kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Đông Dương
1950 – 1956: Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và Chủ tịch Mặt trận Lào tự do
1957 – 1958: Tham gia các Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ nhất
1959 – 1960: Bị thế lực phản động phái hữu Lào bắt giam
1962 – 1964: Tham gia các Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ hai
- Tháng 2/1972: Được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
- Tháng 3/1973: Được bầu làm Chủ tịch Hội đồng chính trị hiệp thương
1974 – 1975: Tham gia các Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ ba
1975 – 1991: Chủ tịch nước đầu tiên kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Lào
1991 – 1995: Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào
Chủ tịch Xuphanuvông đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác
|
Nhật Minh