(TCTG) - Hai trạng thái luôn song hành trong tâm hồn mỗi con người, đó là những "khuôn mẫu", sự cứng nhắc của lề thói, những định kiến, quy ước khắt khe và sự khao khát bứt phá, thôi thúc hướng tới cái bản ngã tự do và những trải nghiệm phóng khoáng...
Với những tác phẩm sắp đặt ấn tượng và độc đáo, Triển lãm "Rồng rắn lên mây" đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 - Tràng Tiền, Hà Nội) đã thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ Thủ đô.
Triển lãm là cuộc hội ngộ, kết hợp của ba nghệ sĩ trẻ Lê Huy Hoàng, Lê Quang Thân và Vũ Hoàng Vũ .
Lê Huy Hoàng là nghệ sĩ bước đầu đã tạo được dấu ấn qua những cuộc triển lãm Sắp đặt cá nhân khá thành công của anh thời gian qua. Ngược lại, Lê Quang Thân và Vũ Hoàng Vũ thì mới bước đầu làm Sắp đặt, và Triển lãm "Rồng rắn lên mấy" cũng là những tác phẩm đầu tiên của hai anh. Sự kết hợp của nhóm nghệ sĩ đã tạo nên sự tự tin cần thiết khi họ chọn cho mình con đường nghệ thuật Đương đại đầy thử thách.
Tác phẩm “Rồng rắn” của Lê Huy Hoàng ở vị trí trung tâm khu vực sắp đặt đã gây được sự chú ý và ấn tượng với người xem bởi kích thước của tác phẩm và sự dụng công của tác giả. Để làm nên tác phẩm này, Lê Huy Hoàng đã phải nhờ tới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đan ở Hải Dương giúp đỡ. Điều khiến người xem thích thú, tò mò, khám phá, trải nghiệm ở đây chính là chủ đề và ý tưởng của tác phẩm thông qua sự sắp đặt kết hợp của ba hình tượng: rồng - rắn, cây và những đám mây đen. Cùng với những hình khối sắp đặt, sự hấp dẫn và thu hút người xem còn có phần đóng góp quan trọng của không gian và ánh sáng được bố trí tại phòng trưng bày.
Với hình tượng rồng - rắn, cây và những đám mây đen, dường như các nghệ sĩ muốn nói lên hai trạng thái luôn song hành trong tâm hồn mỗi con người, đó là những "khuôn mẫu", sự cứng nhắc của lề thói, những định kiến, quy ước khắt khe và sự khao khát bứt phá, thôi thúc hướng tới cái bản ngã tự do và những trải nghiệm phóng khoáng, sục sôi năng lượng, muốn sáng tạo và cống hiến sáng tạo... Đó cũng chính là tinh thần của nghệ thuật đương đại, thông qua đó tạo cho nghệ sĩ và công chúng những sân chơi của sự thể nghiệm và tìm tòi. Ở đó người nghệ sĩ được tự do thể hiện những sáng tạo của cá nhân, nhất là những ý tưởng mới. Tất nhiên, những khó khăn, trở ngại trong quá trình tìm sự chia sẻ đồng cảm rộng rãi là không thể tránh khỏi, vì nghệ thuật đương đại sắp đặt xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian chưa nhiều.
Nghệ thuật Sắp đặt là một môi trường tương đối cởi mở, phù hợp với nhu cầu thực tế của một bộ phận những người làm nghệ thuật trẻ. Họ cần có sân chơi cho nhu cầu bộc lộ thể hiện bản thân. Đất nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, và tất yếu những loại hình nghệ thuật này sẽ phát triển trong tương lai gần. Thực tế là nghệ thuật Sắp đặt không còn xa lạ gì với đời sống mĩ thuật. Nghệ thuật Sắp đặt có những tiêu chí và phương tiện riêng của nó. Mặc dù biểu hiện của nó có thể gây nhiều ý kiến trái chiều, thậm trí có ý kiến mang tính áp đặt, suy diễn của cá nhân. Vì vậy, dư luận cần có cái nhìn khách quan đối với loại hình nghệ thuật này.
Triển lãm Sắp đặt lần này đã gây được sự quan tâm, chú ý trong cộng đồng. Những cố gắng của các nghệ sĩ là rất đáng trân trọng, góp phần làm đa dạng đời sống mỹ thuật nói chung và mang nghệ thuật Đương đại đến gần hơn với công chúng./.
Họa sĩ Vũ Tuấn Dũng