(TG) - Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhằm cung cấp nguồn thông tin, ý tưởng hữu ích cho trong quá trình phân tích, xây dựng, tư vấn chính sách; cũng như thiết kế các cơ chế kiểm định, phản hồi, đánh giá hiệu quả và dự báo tác động của chính sách trong nền kinh tế.
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo khoa học “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách”. Tham dự hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước.
Năm 2013 bắt đầu với tình hình kinh tế - xã hội nước còn nhiều khó khăn do tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công ở Châu Âu còn dai dẳng. Cùng với đó, các khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa được giải quyết, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua trong nước giảm, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể.
Trước tình hình đó, ngay trong những ngày đầu năm 2013, Chính phủ đã kịp thời ban hành hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó nội dung quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình trạng sản xuất đình đốn, số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản đạt mức kỷ lục, tồn kho và nợ xấu tăng cao..., , trong đó tập trung vào ba nhóm giải pháp chính gồm: - Cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư; - Hỗ trợ thị trường và giải quyết hàng tồn kho; và - Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng và xử lý nợ xấu.
Nhìn lại một năm sắp đi qua, những kết quả đạt được trong năm 2013 cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng dần qua các quý (quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00% và quý III tăng 5,54%) và 9 tháng đầu năm 2013 tăng 5,14%. Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm 2013 mặc dù còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ năm 2010 và mức tăng 5,92% của cùng kỳ năm 2011 nhưng đã cao hơn với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5,39%).
Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp được cải thiện, hàng tồn kho giảm, nợ xấu dần được kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất. Tuy vậy, các dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn, đòi hỏi chúng ta phải phân tích, đánh giá một cách chi tiết tác động và hiệu quả của các giải pháp, chính sách để có kiến nghị cụ thể và xác đáng cho công tác điều hành nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng trong năm 2014.
Hội thảo khoa học này được thiết kế theo hướng ‘mở’, tập trung đánh giá tác động chính sách. Các tham luận của hội thảo tập trung vào các vấn đề:
Thứ nhất, tác động của chính sách đến kinh tế Việt Nam 2013 và dự báo 2014. Tham luận về vấn đề này đề cập đến những nét lớn về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013; các cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung; thành quả đạt được, cũng như các khó khăn, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế. Bên cạnh phân tích định tính, các nghiên cứu đã sử dụng các công cụ định lượng để mô phỏng và dự báo các tác động của kinh tế thế giới và các chính sách của Việt Nam đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2014-2015; trên cơ sở đó, kiến nghị những cơ chế, chính sách nhằm kích thích tăng trưởng, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam năm 2014. Tham luận đi sâu phân tích và đánh giá các cơ hội trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chỉ ra những thách thức, mà nếu không có sự chuẩn bị thì doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được ngay tại thị trường trong nước.
Thứ ba, tác động của các chính sách nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả thu nhận được từ phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp, tham luận phân tích những mặt được và chưa được của các chính sách trong năm 2013; và mong muốn cũng như dự báo của doanh nghiệp về khả năng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong năm 2014.
Các ý kiến của đại biểu đã tập trung làm rõ hiệu quả của các chính sách này, các tác động tích cực và tiêu cực đối với hoạt động doanh nghiệp; cũng như các cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, tích lũy và phục hồi tăng trưởng. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp cũng tập trung góp ý đưa ra những giải pháp, cơ chế hữu hiệu nào để thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp diễn ra nhanh, hiệu quả và tránh sự thất thoát tài sản nhà nước; các giải pháp giúp điều tiết dòng vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp; tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; đưa doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế để ứng phó với các tác động từ kinh tế thế giới; và chủ động đón nhận cơ hội mà quá trình hội nhập đem lại.
Trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Kết quả thu được tại Hội thảo là nguồn thông tin, ý tưởng hữu ích cho trong quá trình phân tích, xây dựng, tư vấn chính sách; cũng như thiết kế các cơ chế kiểm định, phản hồi, đánh giá hiệu quả và dự báo tác động của chính sách trong nền kinh tế.
Hội thảo khoa học này cũng là diễn đàn để các vị chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu sắc và cởi mở về tác động của các cơ chế chính sách đã ban hành đến phát triển kinh tế năm 2013, từ đó gợi mở những đề xuất, những hàm ý chính sách thiết thực cho công tác, quản lý điều hành của Chính Phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trong năm 2014, là năm được kỳ vọng các chính sách sẽ phát huy tác dụng, góp phần tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới./.
Nam Hải