Thứ Bảy, 27/7/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 25/1/2020 7:12'(GMT+7)

Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2020

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

MỨC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CAO

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, vượt mọi dự báo,thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng cao, song chỉ số giá tiêu dùng cả năm vẫn sẽ nằm trong chỉ tiêu Quốc hội giao. Kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta lần đầu tiên đạt mức 500 tỷ USD, chỉ 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Năm thứ tư xuất siêu liên tiếp, đạt 9,9 tỷ USD. Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu..

Đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh; Doanh nghiệp thành lập mới đạt con số 138.000 , mức kỷ lục với tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, vốn FDI đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.

Thu ngân sách trong năm 2019, ước đạt trên 1.400 tỷ đồng. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; nợ công giảm mạnh. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao.

Đời sống nhân dân được nâng lên khi với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới và với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cũng đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.

THÁCH THỨC ĐẶT RA  

Năm 2020, kinh tế thế giới được dự báo vẫn duy trì tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm. Khu vực ASEAN được dự báo vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng cao và năng động nhất thế giới. Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là nơi tiếp nhận đầu tư FDI lớn. Các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào việc phát triển của các quốc gia châu Á, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng tốt nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại khu vực EU, tăng trưởng kinh tế giảm chủ yếu liên quan đến vấn đề Brexit. Tại Mỹ, hoạt động đầu tư bắt đầu giảm nhẹ từ cuối năm 2018 khi gói cắt giảm thuế giảm dần tác dụng, trong khi chiến tranh thương mại với Trung Quốc gia tăng. Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã sụt giảm nhanh trong vòng 8 năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Xu hướng giảm này nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài và có thể nhanh hơn do tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tại những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển khác, hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng khi thị trường tài chính xấu đi, nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina phải thắt chặt chính sách tài khóa để ổn định tài chính; vấn đề nợ công tiếp tục mở rộng tại Mexico. Căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn tại các nước Trung Đông. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa cũng sẽ tiếp tục cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới.

Bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong đó nổi lên các vấn đề như: 1) Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Quan hệ giữa các nước lớn thay đổi, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt, nhất là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời vai trò của châu Á - Thái Bình Dương và khối ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc ngày càng lớn. Hoà bình và hợp tác phát triển là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng. 2) Xu hướng đan xen giữa tự do hóa thương mại với bảo hộ mậu dịch tiếp tục kéo dài; vai trò của các thể chế kinh tế quốc tế bị suy yếu. Các hiệp định thương mại sẽ giúp thúc đẩy tự do hóa thương mại đi liền với việc gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan. Hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ gặp nhiều khó khăn, vai trò của các định chế thương mại đa phương (như Tổ chức thương mại thế giới) ngày càng mờ nhạt. Xu hướng ký kết các FTA song phương đang và sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới. Phạm vi điều chỉnh của các FTA cũng rộng hơn, không chỉ là cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại mà còn các lĩnh vực liên quan đến cách thức sản xuất hàng hóa (dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, mua sắm công), mức độ tự do hóa cao và hình thành trên cơ sở liên kết giữa các đối tác thuộc các khu vực địa lý khác nhau, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển. Các thể chế đa phương sẽ phải chịu sức ép cải tổ trong thời gian tới. 3) Cạnh tranh công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh chiến lược, là nhân tố quyết định trong kinh tế toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học tạo ra những khả năng mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Công nghệ số và nền kinh tế chia sẻ có thể dẫn đến dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, dòng chảy thương mại và những ngành dựa vào xuất khẩu. Nó có thể làm chậm, thậm chí làm đảo ngược xu hướng hội tụ phát triển, trong đó các nước kém phát triển có xu hướng ngày càng gặp nhiều bất lợi. Tiêu chí để trở thành điểm sản xuất có thể thay đổi, yếu tố chi phí lao động thấp ít quan trọng hơn so với sự sẵn có của lao động kỹ năng, hay cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, những tác động bất lợi của việc thay đổi công nghệ sản xuất đối với việc làm (tự động hóa làm tăng thất nghiệp lao động có trình độ kỹ năng thấp) có thể được bù đắp bằng tăng năng suất và tăng sản xuất toàn cầu (do tăng nhu cầu về đầu vào và hàng hóa cuối cùng).

Song song với đó, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức không nhỏ, đó là:

Thứ nhất, cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Chỉ số đổi mới sáng tạo ở  Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Thứ hai, cơ cấu nhập khẩu cô đọng, đặc biệt là nhập khẩu quá nhiều từ thị trường Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc duy trì tình trạng thâm hụt từ nhiều năm nay, lên đến khoảng 10% GDP.

Thứ ba, việc kiểm soát lạm phát. Kể từ khi đạt đỉnh 27% vào năm 2008, CPI đã liên tục được Chính phủ kiểm soát và giữ ổn định ở mức dưới 5% trong những năm gần đây. Dự báo, năm 2020, có thể ở mức 3%.

Thứ tư, những vấn đề rủi ro tài chính. Các biện pháp bảo vệ vĩ mô đã giúp dịch chuyển dòng vốn vay từ bất động sản sang những ngành công nghiệp, trong khi tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. Việc giảm tỷ lệ cho vay các doanh nghiệp nhà nước là tín hiệu tích cực, nhưng tỷ lệ nợ tiêu dùng tăng nhanh đang hàm chứa rủi ro cho nền kinh tế.

Thứ năm, tình trạng nợ công liên tục tăng từ năm 2012 và gần chạm ngưỡng an toàn 65% vào năm 2016, lần đầu tiên tỷ lệ nợ công giảm 1 năm sau đó và ổn định ở mức an toàn vừa phải 61,3%. Dự báo tỷ lệ này tiếp tục được duy trì trong năm 2020. Cán cân thanh toán dương cho phép Ngân hàng Nhà nước gia tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tỉ giá sẽ giữ ổn định trong năm 2020.

Các vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế như: mô hình tăng trưởng chưa thoát khỏi quán tính tăng trưởng theo chiều rộng; hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công chưa cao; năng lực đổi mới sáng tạo thấp; tăng trưởng phụ thuộc cao và ngày càng tăng vào khu vực FDI, v.v. tiếp tục là những khó khăn cần vượt qua trong giai đoạn tới.

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Kinh tế Việt Nam năm 2020 tiếp tục dự báo sẽ nhiều lợi thế và cơ hội phát triển, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để.

Để đạt được mức tăng trưởng một cách bền vững đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020, Việt Nam cần thực hiện: 1) Nâng cao hơn nữa năng lực nội tại của nền kinh tế, 2) Thúc đẩy gia tăng các động lực tăng trưởng mới, 3) Tận dụng các cơ hội từ hội nhập quốc tế, từ xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời hạn chế những khó khăn, thách thức từ môi trường quốc tế và trong nước.

Để phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2020, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng. Cụ thể, cần tăng cường năng lực của bộ máy nhà nước, xây dựng một bộ máy nhà nước hiệu quả, hiệu lực là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của công cuộc cải cách. Đồng thời, mở rộng thực hiện Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số theo yêu cầu của Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ công. Đẩy nhanh quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nền tảng cho phát triển khu vực tư nhân.

Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân. Với quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển, thông qua việc tạo dựng môi trường kinh doanh có thuận lợi; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn từ ngày 1-1-2018 và nhiều chính sách, biện pháp hỗ trợ khác, khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ nắm giữ vai trò cốt lõi, là động lực quan trọng dẫn dắt nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân.Chính phủ cần nỗ lực, quyết tâm, đẩy nhanh hơn nữa quá trình thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân. Trong đó, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, tận dụng tối đa các lợi ích từ cách mạng công nghiệp 4.0, với một số biện pháp thúc đẩy phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cụ thể gồm: Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo; thực hiện hiệu quả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Xây dựng khung pháp quy, chính sách về cạnh tranh; ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy sản xuất thông minh (tập trung trong nông nghiệp, du lịch, y tế, ICT) và xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh; ưu tiên toàn dụng lao động qua đào tạo, lao động chất lượng cao…

Thứ tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo chiều sâu, tiếp tục giữ vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cần đưa công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển theo chiều sâu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng.

Thứ năm, đẩy nhanh quá trình thực hiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Trong đó, thu hút FDI theo quy hoạch chung của các ngành, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Phát triển FDI một cách bền vững với trọng tâm là chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước. Chọn lọc các lĩnh vực công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.

Thứ sáu, tận dụng các lợi thế và cơ hội từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ hội từ các xu hướng kinh tế thế giới, đồng thời chủ động ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực bởi xung đột thương mại và chiến tranh thương mại quốc tế./.

Hoàng Văn Cương - Lê Thị Thúy Nga

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất