Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 28/9/2012 22:39'(GMT+7)

Trở về

Không có khoảng cách nào giữa kiều bào và quân dân huyện đảo Trường Sa

Không có khoảng cách nào giữa kiều bào và quân dân huyện đảo Trường Sa

 Nhân Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 26-9 đến 30-9. Xin trích đăng từ bài viết có nhan đề Trở về của ông Nguyễn Phương Hùng để bạn đọc tham khảo.

"Trở về" - một động từ chỉ với hai từ nhưng lại mang quá nhiều định nghĩa. Thật là khó cho tôi để đóng góp một bài viết trong tâm trạng một người đã 57 năm rời xa Hà Nội và 36 năm "bỏ nước ra đi" từ Sài Gòn hoa lệ vào thời điểm 30-4-1975. Không biết nhiều về miền Bắc vì ngày đi đang tuổi đánh bi, đánh đáo, đánh khăng nên không có nhiều kỷ niệm. Nhưng miền Nam nơi tôi đã được nuôi dưỡng và trưởng thành thì đất nước sau ngày ra đi tìm"tự do" có rất nhiều kỷ niệm và lưu luyến. Tôi đành chọn chủ đề "Trở về", dù biết rằng đây là một chủ đề rất khó mà tóm gọn trong một - hai trang giấy, mà cũng không thể tràng giang đại hải, để trang trải tâm sự đầy chi tiết mới nói lên hết tâm tư của mình.

Vâng, tôi đã thật sự trở về với quê hương thân yêu sau những năm tháng dài miệt mài "đấu tranh" trong vô vọng, nhưng không phải vì vô vọng mà "Trở về", mà vì những lý do khác và rất tình cờ. Không một người Việt Nam yêu nước nào không nhớ đến quê hương, không nhớ đến cội nguồn dân tộc. Sự bất đắc dĩ phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn cũng là một cố gắng đối với những người thuộc thế hệ của tôi, huống chi bỏ cả đất nước và đồng bào để định cư tại một vùng xa xôi cách trở nửa vòng trái đất. Xét cho cùng sự ra đi và không trở về cũng là những điều không thể chấp nhận. Tôi đã quyết định cực đoan đến độ không về để chịu tang bố mẹ. Một hành động bất hiếu không chấp nhận được trong lễ giáo Á Ðông, nhất là truyền thống dân tộc và phong tục Việt Nam.

Tháng 7-1995, tôi đã viết thư cho ông Bill Clinton - Tổng thống Mỹ đương nhiệm khi đó - để phản đối quyết định "hủy bỏ cấm vận" (Embargo Trading Lift). Lá thư được Văn phòng Tổng thống hồi âm, qua nội dung tôi biết được chiều hướng đổi thay của chính phủ Hoa Kỳ đối với Nhà nước Việt Nam trong một thế thuận lợi cho đất nước. Năm 1997, quyết định "bình thường hóa quan hệ" (Normalization relationship) của Chính quyền Clinton càng cho thấy những nhận định của tôi về chính sách ngoại giao với Việt Nam là đúng theo sự suy nghĩ. Một sự đổi thay có tính toán cho một con đường dài từ 10 đến 20 năm của Chính phủ Hoa Kỳ.

Cuối cùng, tôi đã trở về với quê hương, nhưng cũng mãi đến năm 2011. Bởi vì, tôi không chủ trương đi tìm cơ hội và Nhà nước Việt Nam cũng không chủ trương đi tìm những "móc nối". Sự cách biệt mãi cho đến khi tôi phỏng vấn ông Lê Quốc Hùng, khi đó là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco. Lần gặp gỡ này mới có dịp cho tôi tìm hiểu thêm về thành phần đại diện Nhà nước tại hải ngoại. Thành kiến người cộng sản Việt Nam ác độc, đi dép râu và mang súng AK tiến vào tiếp quản TP Sài Gòn năm 1975 hoàn toàn biến mất trong tôi, khi cùng ông ngồi nói chuyện rất thân tình và cởi mở. Trong cuộc nói chuyện, tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho tôi thấy đây là một trong những biểu tượng khiêm nhường của người đại diện Nhà nước Việt Nam rất biết người biết ta. Sự thân thiện và không khí dễ chịu hoàn toàn khác hẳn những phiên họp trong cộng đồng. "Kẻ thù" của tôi đây ư? Sao họ đàng hoàng và trí thức so với không khí om sòm hành tỏi trong cộng đồng...

Trên chuyến bay của Việt Nam Airlines tôi đã cố gắng kiềm chế xúc động. Ðúng ra, ngay từ phi trường Ðài Bắc, tôi đã nén lòng ép những giọt nước mắt và trong gói hành trang tình cảm mang hai chữ "quê hương" khi nhìn thấy hàng chữ Vietnam Airlines trên những chiếc máy bay và màu áo xanh da trời quen thuộc của các cô tiếp viên hàng không gợi lại ký ức trong tôi về màu áo của các cô chiêu đãi viên trước kia thời chính quyền Sài Gòn cũ. Tôi mang trong tâm trạng một sự hãnh diện ngấm ngầm về sự tiến triển của đất nước qua Công ty Hàng không Việt Nam trong sự chinh phục không trung để góp mặt trên các đường bay quốc tế. Hình như nhà báo Vũ Hoàng Lân đoán trước sức ép của sự chịu đựng sẽ nổ tung, cho nên anh đã canh máy thường trực. Anh đã thất vọng vì tôi đã giấu được sự xúc động. Trên chuyến bay tôi thấy đồng bào tôi, những người cùng nói một ngôn ngữ đang vui đùa nói chuyện về Việt Nam và chương trình thăm viếng. Tôi chợt bất giác tủi thân cho số phận và hối hận về những việc mình làm trong 36 năm tại Mỹ. Có thể trên chuyến bay cũng có những người từng đi biểu tình hay từng nằm trong những tổ chức "yêu nước" nhưng hình như ai cũng quên đi và không nhắc nhở đến hận thù. Giờ này, trên khuôn mặt ai cũng chỉ thấy vẻ vui tươi được Vietnam Airlines chuyên chở tình thương về quê nhà. Hình như sau lưng tôi một vài lời xầm xì, có lẽ họ biết tôi và đang ngạc nhiên vì sự có mặt cuả tôi trên chuyến bay.

Trên máy bay từ Ðài Bắc về Hà Nội, tôi hoàn toàn không ngủ, điều đó ai cũng hiểu. Sự bồn chồn và tâm trạng của người xa quê 36 năm làm sao cho phép tôi yên tâm nhắm mắt. Tiếng cô tiếp viên báo máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Nội Bài thì tất cả những xúc động bị đè nén từ lúc cơ trưởng loan báo máy bay đã đi vào vùng trời Việt Nam đột nhiên bùng lên như một cơn phẫn nộ của núi lửa. Hai hàng nước mắt như được mở cửa thông thương đã tuôn trào ra trên hai gò má của người con tha phương trở về sau 36 năm. Vâng! Hà Nội của tôi 57 năm trước đây ngày tôi xa Hà Nội để theo gia đình "di cư" vào nam từ phi trường Bạch Mai. Mặc dù, ngày đi tôi chỉ 9 tuổi, một cái tuổi chưa có nhiều kỷ niệm để nhớ ngoài tên Trường Ða Minh (mầm non) và Tiểu học Lý Thường Kiệt. Chùa Một Cột, Dinh toàn quyền, Hồ Tây, Hồ Gươm, chợ Ðồng Xuân mang máng trong trí nhớ. Vậy mà cũng vẫn làm tôi xúc động. Tôi như mơ ngủ, tôi bàng hoàng vì mình vừa được đặt chân trở về đất Mẹ. Cái xúc động của người con xa xứ trở về có lẽ không thể diễn tả được bằng văn chương, vì tình yêu quê hương khác hẳn tất cả những loại tình yêu trên cuộc đời. Một thứ tình cảm không thể nói ra được bằng lời, nó thiêng liêng và huyền diệu trong lòng người. Nó gặm nhấm tâm tư bằng những nỗi nhớ thương và bùng dậy mãnh liệt khi hình ảnh hiện thực đang diễn ra trước mắt. Giờ tôi mới biết tại sao có những người muốn được trở về chết trên quê hương hoặc thân nhân sẵn sàng chấp nhận tốn kém để đưa xác người chết về lại quê nhà. Có đi xa mới thấy mình yêu quê hương đất nước đến chừng nào. Những tình yêu quê hương tưởng chừng đã mất đột nhiên sống lại mãnh liệt trong tôi. "Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người" - câu thơ này thật đúng. Tôi đã khóc như một đứa trẻ từ trên phi cơ cho đến khi ra cổng phi trường đứng đợi xe về nhà. Trước mắt tôi, dòng xe cộ xuôi ngược và người ta đi lại nhộn nhịp làm tôi ngẩn ngơ như đang sống trong mơ.

Tôi đã khóc bảy lần khi đi dâng lễ vật tại bảy nơi tại Ðền Hùng. Ngày xưa tôi không thích ông Hồ bao nhiêu thì ngày nay tôi càng thấy cảm phục ông là một nhân tài của thế kỷ. Một con người khó tìm thấy trong hàng danh nhân thế giới. Từ thành nhà Hồ (Thanh Hóa), đến Ðền Quang Trung (Nghệ An), Thành cổ Quảng Trị, vịnh Hạ Long, cầu Hiền Lương, đến Dinh Ðộc Lập... mỗi một nơi bước chân tôi đi lại là những giọt nước mắt để lại với đầy cảm xúc trong hãnh diện những gì tôi được nhìn thấy.

Tôi được tự do đi đây đi đó, tiếp xúc và nói chuyện với bất cứ ai tôi gặp và tôi muốn... Tôi đã mua một cái quạt tại chùa Bái Ðính và ngồi ôm cụ già đã 80 tuổi để khóc mà nhớ mẹ. Trên đường từ Cần Thơ về TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ghé qua Mỹ Tho thưởng thức món ăn danh bất hư truyền là hủ tiếu Mỹ Tho. Một cụ già lưng còng mắt mũi lem nhem đi bán vé số. Tôi trả tiền 10 vé nhưng lại "quên" lấy vé số. Hy vọng bà cụ trúng thưởng những vé số đó. Con người tôi lập dị như vậy, đừng bảo là tôi đóng kịch. Mà đóng kịch để làm gì nhỉ? Tôi xúc động vì đất nước tôi đổi mới, những công trình lớn xây dựng khắp nơi. Tôi khóc vì văn minh tiến bộ và những đầu óc thông minh hiếu học của tuổi trẻ Việt Nam, tương lai của đất nước. Nhưng tôi cũng khóc vì đất nước tôi vẫn còn nghèo. Ðất nước nào, xã hội nào cũng vậy trong cái tích cực không thể tránh được những tiêu cực. Có ai dám chắc Hoa Kỳ không có người nghèo, người vô gia cư và người khủng hoảng tâm thần. Có ai dám bảo đảm tại vương quốc dầu hỏa giàu có như Saudi Arabia không có những góc phố của người nghèo?

Tôi khóc vì tôi yêu quê hương, vì tôi có tội với đất nước, vì tôi mù quáng tin vào những bông hoa vẽ thật đẹp bên ngoài chiếc bánh ngọt thiu cũ của một thiểu số người cộng đồng hải ngoại. Tôi khóc vì tôi đã có một thời gian không giúp gì cho đất nước mà lại không im lặng để người ta rảnh tay xây dựng đất nước. Họ - những người chiến thắng trong cuộc chiến và đã đưa một đất nước bị tàn phá vì chiến tranh và gánh chịu những hậu quả nặng nề của gần một thế kỷ dưới ách thực dân Pháp lên vị trí khá vững chãi tại Ðông - Nam Á. "Hãy nhìn những gì cộng sản làm", vâng bạn hãy nhìn đi. Từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, đi qua những thành phố lớn Huế, Ðà Nẵng, Hội An tôi thấy nhiều quốc gia tự do cũng còn thua xa. Ðà Nẵng có lẽ sạch sẽ nhất tại Việt Nam. Quê hương, đất nước tôi hôm nay đây đang được những người đã thật sự đổi mới tư duy điều hành. Việt Nam đã vươn lên trong sắc diện từ ngày các ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, có những sự thay đổi táo bạo. Hãy nhìn những gì cộng sản làm để biết tại sao Hoa Kỳ và thế giới gần 200 quốc gia đã công nhận. Hiện nay số du học sinh từ Việt Nam tại Hoa Kỳ đông hàng thứ bảy. Tôi đã nhìn Nhà nước Việt Nam qua hình ảnh Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách "các quốc gia cần quan tâm đặc biệt" (CPC); được vào tổ chức WTO (World Trade Organization); được trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; các lãnh đạo Việt Nam từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều được đón rước trọng thể trên thế giới. Tôi cũng nhìn thấy trong vòng 10 năm qua, ba vị Tổng thống của Hoa Kỳ và nhiều lãnh đạo cấp cao như Ngoại trưởng, Bộ trưởng đã liên tục đến Việt Nam để giao tiếp và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tôi thật sự phải tự hỏi, tôi đã làm gì cho đất nước trong một đời người 60 năm tôi đã làm mất 36 năm tại nước ngoài? Tôi đang làm được gì cho đất nước trong khi người ngoại quốc đang đầu tư vào quê hương tôi. Ngày đi với Ðoàn công tác số 6 để ra thăm quần đảo Trường Sa... Tại những đảo đi qua, tôi đã lại rơi nước mắt trong những buổi lễ cầu siêu cho những người con yêu của Tổ quốc đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Tôi đã khóc khi nhìn thấy mầu xanh của biển và những bộ quân phục mầu xanh của lính biển hòa cùng mầu xanh của cây lá trên đảo. Tôi khóc cho đời sống còn nhiều thiếu thốn của đồng bào và chiến sĩ, những con người can trường chống chọi với hiểm họa thiên nhiên, để bảo vệ hải đảo và luôn cảnh giác trước những tranh chấp của bất cứ thế lực bên ngoài nào. Tại Trường Sa tôi mới thật sự thấm thía câu hát trong bài Tình hoài hương: "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời".

Tôi viết lên những tâm sự của Người Trở Về sau một cuộc hành trình dài trên đất Hoa Kỳ - đất nước của những người không nói cùng ngôn ngữ. Còn rất nhiều điều để viết vì quê hương đã có quá nhiều đổi thay. Trang sử đã lật qua và quá khứ thì không lấy lại được, cho nên tôi đi về phía trước để đồng hành với toàn thể dân tộc. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi và mọi người hải ngoại bỏ nước ra đi nên có một lời tạ tội với đất nước. Qua bài viết này tôi xin tạ tội với Tổ quốc, với tiền nhân vì tôi đã ra đi và 36 năm không một lần trở về. Hôm nay tôi xin có lời cảm ơn tất cả mọi người đã xây dựng một đất nước Việt Nam và tôi hãnh diện trên mỗi bước chân tôi đi qua. Xin đừng cười chế giễu những giọt nước mắt. Tôi nghĩ rằng chỉ có những xúc động chân tình và sự giác ngộ thật lòng mới làm cho con người nhìn nhận được đổi thay không chối cãi.

Nguyễn Phương Hùng

(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất