Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa thế giới người hiền, đi gặp Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác. Khi ấy, nước nhà chưa thống nhất, non sông chưa liền một dải và Người cũng chưa vào được miền Nam để thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ trong ấy. Suốt những năm tháng nước nhà bị chia cắt, miền Nam luôn trong trái tim Người; khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn luôn đau đáu trong từng suy nghĩ của Người.
1. Niềm tin tất thắng "Bắc Nam sum họp một nhà"
Sinh thời, mỗi khi nhắc đến miền Nam ruột thịt, đến ước mơ “Bắc Nam sum họp một nhà”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại bồi hồi xúc động. Đồng bào miền Nam vẫn nhớ khôn nguôi lời nhắn nhủ của Người ngày 26/9/1945 khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh, nổ súng đánh úp Nam Bộ: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ... “Thà chết tự do còn hơn là sống nô lệ”. Đồng thời, Người đã chuyển đến cho đồng bào và các chiến sỹ ở tiền tuyến sức mạnh niềm tin vào một ngày mai đất nước thống nhất: “Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc vì đã có cả một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về ta”(1). Niềm tin Bắc - Nam sum họp một nhà đã biến thành ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam và điều đó được thể hiện trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách: Nam Bộ là máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam, “đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”(2). Và dù ý nguyện Bắc - Nam thống nhất chưa thành hiện thực, song Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định tại Điều 2, Chương I là: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”(3).
Thực dân Pháp bội ước, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lan ra toàn quốc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh đoàn kết của quân dân hai miền Nam - Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã góp sức làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta sau 9 năm gian khổ, trường kỳ kháng chiến. Tuy nhiên, sau Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), đất nước ta vẫn tạm thời bị chia cắt làm hai. Miền Bắc được giải phóng, bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Trong khi đó, ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, thực hiện luật 10/59, tiến hành tố cộng, diệt cộng, đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh yêu nước của quân dân ta. Vì miền Nam ruột thịt, vì ngày mai Bắc - Nam sum họp một nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải “củng cố miền Bắc và chiếu cố miền Nam”; khôi phục, cải tạo, phát triển và xây dựng chủ nghĩa xã hội để miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, chi viện sức người, vũ khí, đạn dược và cả tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến miền Nam và đó là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Hàng ngày, hàng giờ, mỗi chiến công của đồng bào miền Nam đều có sự chi viện về tinh thần và lực lượng của đồng bào miền Bắc và ngược lại, mỗi thành tích trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của đồng bào miền Bắc đều có phần đóng góp của đồng bào miền Nam ruột thịt.
Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam (tháng 11/1965).
Trĩu nặng nỗi đau đất nước bị chia cắt, da diết nỗi nhớ đồng bào và chiến sỹ miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đi trước về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Đồng thời, Người cũng khẳng định: “Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam,... không một giờ một phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ Diệm để cứu nước cứu nhà”(4). Cùng đó, trong mỗi bức thư, trong mỗi bài phát biểu, trong những lời nhắn nhủ hàng năm khi mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bao giờ Người cũng dành phần chúc đồng bào miền Bắc đẩy mạnh thi đua yêu nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ miền Nam, làm cơ sở, hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Và niềm tin vào tương lai đất nước thống nhất, trọn niềm vui đã được Người khẳng định, bồi đắp bằng ý chí, bằng quyết tâm của cả dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn”(5)...
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, mang theo trong mình hình ảnh khúc ca chiến thắng: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!”. Niềm tin của Người và chỉ thị “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” đã trở thành mệnh lệnh hành động của đồng bào và chiến sỹ cả nước. 6 năm sau khi Người mất, cuộc trường chinh kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã kết thúc thắng lợi bằng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam - Bắc đã sum họp một nhà, lòng mong ước của Người đã trở thành hiện thực.
2. Đất nước trọn niềm vui
Ngày 30/4/1975 là mốc son vĩ đại trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là thành quả của ý chí đoàn kết "muôn người như một" và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc. Lịch sử càng lùi xa, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc có ý nghĩa thời đại, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hơn hết, đó chính là sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc, là niềm tin tất thắng và quyết tâm của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
Các bà mẹ có công với cách mạng, đại diện cho đội quân tóc dài trong ngày giải phóng (Ảnh: Tư liệu TTXVN).
Sau khi miền Nam được giải phóng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thống nhất đất nước đã tạo điều kiện cơ bản để cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng bào và chiến sỹ cả nước phát huy sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước, tạo thuận lợi và khả năng to lớn để đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Một đất nước Việt Nam luôn thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức sáng tạo và sự đồng thuận của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thay da, đổi thịt sau những năm dài chiến tranh…
43 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4 lịch sử, một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, non sông liền một dải đang ngày một ổn định, phát triển và vươn lên. Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo, đất nước Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.
Việt Nam đã phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng; phúc lợi và an sinh xã hội được thực hiện và từng bước mở rộng. Công tác chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo đã đạt nhiều thành tựu quan trọng…
Trong niềm vui của ngày đất nước thống nhất, vẫn khắc sâu trong trái tim mỗi người dân Việt và các thế hệ mai sau tấm gương chiến đấu, sự hy sinh của cán bộ, đảng viên, những người con ưu tú, hiếu trung đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ; hàng ngàn cán bộ, đảng viên và nhân dân bị bắt, bị tra tấn, tù đày trong các nhà tù của đế quốc cùng bao đồng bào bị giết hại, tàn tật, bị nhiễm chất độc do kẻ thù gây ra…trong những năm chiến tranh.
Trong khải hoàn khúc ca “Như có Bác trong ngày đại thắng” hôm nay, ôn lại lịch sử, khát vọng và niềm tin về một đất nước Việt Nam thống nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả dân tộc; khắc ghi công ơn của cha anh với những chiến công vang dội của bao thế hệ đồng chí, đồng bào, cán bộ, đảng viên, của các anh hùng, liệt sỹ, của bao chàng trai, cô gái đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình, hy sinh cho độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất của đất nước cũng chính là để các thế hệ người Việt Nam nỗ lực hơn trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với cha ông.
Mỗi người may mắn được sinh ra và sống trong hòa bình hãy nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mình cả về quyền lợi và nghĩa vụ, cùng góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Đâu đó, trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù sinh sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài, từng lời ca trong bài hát Bài ca thống nhất: "Biển trời bao la, đẹp như gấm hoa. Nước mây một màu, những con tàu ra Bắc vào Nam. Biển trời quê ta, rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan. Dô ô ô ô ô ô khoan, là khoan dô hò là khoan dô khoan. Trời tỏa nắng nắng lan núi ngàn, một mùa đông giá băng vừa tan. Bạn mình ơi đón vui xuân về, hân hoan. Biển trời xuân sang, Bắc Nam sum họp một nhà đông vui, vui huy hoàng. Biển trời xuân sang, con chim reo mừng trở về quê hương, mến thương. Ôi, khải hoàn ta ca, ta gạt mái chèo tự do ra khơi, tự do vô lộng..." vẫn luôn vang vọng, nhắc nhở về khát vọng chính nghĩa, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh./.
-----------
Chú thích:
(1) Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.4, tr.246
(3) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb Chính trị quốc gia, H,1994, tr.272
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.158-159
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.108
TS. Nguyễn Đình Quốc Cường, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh