Hiện nay, hàng nghìn chính đảng trên thế giới đang hoạt động, tham gia và tác động ngày càng sâu rộng vào quá trình hoạch định, triển khai chính sách đối nội, đối ngoại và đời sống chính trị - xã hội của các nước. Sự phát triển của thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, với các mối quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau ngày một gia tăng giữa các quốc gia, các thực thể trong hệ thống quan hệ quốc tế vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa đặt ra yêu cầu bức thiết đòi hỏi các chính đảng phải mở rộng các mối quan hệ của mình ra ngoài biên giới quốc gia. Việc thiết lập quan hệ quốc tế rộng rãi của các đảng tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa các nước. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chính trị thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng, mạnh mẽ với sự cạnh tranh quyết liệt của các chính đảng. Vì vậy, mở rộng quan hệ đảng đang là một phương thức đảm bảo sự chủ động thích ứng nhanh với những biến động trên chính trường các nước cũng như những diễn biến trên thế giới.
Thực hiện chủ trương "tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới", công tác đối ngoại đảng được thúc đẩy, vừa đi vào chiều sâu, vừa mở rộng, nhằm củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ nhà nước, quan hệ nhân dân, tạo thế chủ động trong quan hệ quốc tế, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Với tinh thần đó, để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, Hội đồng Lý luận Trung ương thường xuyên chủ động và tích cực phối hợp với một số cơ quan, đơn vị và địa phương trong cả nước thực hiện tốt một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và nhân dân giao phó, đó là: “Giữ vững mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới”.Một trong những phương thức thực hiện nhiệm vụ đó là tổ chức các hội thảo khoa học. Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng những hội thảo này còn nhiều hạn chế cần khắc phục để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Thực trạng
Qua 15 năm, từ Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2003) đến Trao đổi lý luận lần thứ 7 với Đảng Cộng sản Nhật Bản (tháng 9-2017), Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học, tổ chức 36 cuộc hội thảo, trao đổi, đối thoại lý luận (sau đây viết tắt là hội thảo), với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, bao quát nhiều vấn đề quan trọng của khu vực, quốc tế và của mỗi đảng, mỗi nước(1). Từ kết quả các cuộc hội thảo lý luận giữa Đảng ta với các đảng bạn,Hội đồngLý luận Trung ương đãlựachọn, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia biên tập, xuất bản và phát hành 13cuốn sáchchuyên khảo(2). Qua các cuộc hội thảo, nhiều nước trên thế giới đã dành sự quan tâm hơn tới Việt Nam, nhất là đối với công tác lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều đảng phái chính trị, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học quốc tế khi tới thăm và làm việc tại Việt Nam, một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam rất quan tâm và mong muốn được tới làm việc, trao đổi, tọa đàm khoa học với Hội đồng Lý luận Trung ương (thông qua Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương), hoặc mời Hội đồng tham dự các buổi tiếp và làm việc với đại diện một số đảng. Chỉ tính riêng trong năm 2016 và 2017, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiếp 8 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hội đồng, trong đó có 04 đại sứ, nguyên đại sứ các nước tại Việt Nam (Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Ixrael); 04 buổi làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương (với đoàn Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Mỹ và các học giả Nhật Bản).
Các cuộc hội thảo, trao đổi, đối thoại lý luận đã thu được nhiềukết quả:học tập mở rộng kiến thức,“biết người, biết ta” hơn,hiểu biết thêm về các nước, các đảng, nhất là những vấn đề về tình hìnhchính trịthế giớiđang được quan tâm, đồng thời đúc rút kinh nghiệm để đổi mới và từng bước hoàn thiệnđường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết hợp tác giữa Đảng ta với các đảng anh em, góp phần tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa Việt Namvới các nước bạn. Những kết quả thu nhận được từ quá trình mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lý luận tạo thêm cơ sở lý luận thực tiễngiúp Hội đồng Lý luận Trung ương làm tốt công tác tư vấn về lý luận chính trị cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai các hội thảo lý luận quốc tế, một số vấn đề còn hạn chế, bất cập làmảnh hưởng đến chất lượng của các cuộc hội thảo lý luận quốc tế giữa Đảng ta và các đảng bạn, các đảng tham chính, cụ thể là:
Chủ đề và nội dung các cuộc hội thảo chưa được nghiên cứu kỹ, còn nhiều thay đổi trong quá trình triển khai, tổ chức. Việc xác định chủ đề là khâu then chốt quyết định quá trình triển khai về nội dung. Đây là tiền đề cần thiết và quan trọng nhất để tạo nên một cuộc hội thảo có chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, việc cân nhắc, lựa chọn chủ đề hội thảo cần được bàn bạc kỹ và tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lý luận chính trị, ngoại giao và chuyên gia chuyên ngành trước khi trình Ban Bí thư quyết định. Đây là công việc chiếm nhiều thời gian và thường bị điều chỉnh đột xuất, thậm chí trong nhiều trường hợp, chủ đề thay đổi hoàn toàn so với dự kiến ban đầu, dẫn tới việc bị động trong chuẩn bị nội dung và gây những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, nội dung của hội thảo. Chính vì thế, đây là một trong những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cuộc hội thảo.
Việc lựa chọn chuyên gia tham dự hội thảo và chất lượng bài tham luận còn nhiều bất cập. Trong thời gian qua, về cơ bản, vấn đề này luôn được quan tâm đúng mức. Đa số các nhà khoa học được mời tham dự hội thảo đều tâm huyết, có trình độ, am hiểu sâu về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực liên quan đến nội dung, chủ đề hội thảo. Các bài tham luận cơ bản bao quát được chủ đề hội thảo. Tuy nhiên, không phải bài tham luận nào cũng có chất lượng, còn không ít chuyên gia chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị của hội thảo lý luận giữa Đảng ta và đảng bạn nên thiếu sự đầu tư cho báo cáo tham luận. Báo cáo có khi sơ sài, mang tính hình thức, chưa thể hiện được tính khoa học, tính mới trong nghiên cứu.
Hình thức tổ chức thảo luận, đối thoại, tương tác giữa hai đoàn tại hội thảo lạc hậu, ít đổi mới. Thực tế cho thấy các hội thảo cơ bản được tiến hành theo phương thức truyền thống, các diễn giả tuần tự phát biểu tham luận theo chương trình được thiết kế sẵn. Trong khi đó, phần trao đổi, đối thoại thường được lồng ghép vào phần hỏi đáp và chỉ chiếm thời lượng rất ít ở cuối mỗi phiên hội thảo, các chuyên gia giữa hai bên có ít thời gian để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Vấn đề đặt ra ở đây là tính tương tác giữa hai bên trong quá trình hội thảo. Suy cho cùng, mục tiêu tối đa là đem lại chất lượng, hiệu quả; cụ thể nhất là những giá trị, kinh nghiệm, tri thức hai bên có thể bổ sung cho nhau. Vì vậy, việc nên dành thêm nhiều thời gian cho đối thoại, tương tác trực tiếp để mỗi bên trực tiếp giải đáp, nêu kiến nghị, đề xuất cho nhau căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi bên là yếu tố quan trọng mang lại chất lượng, hiệu quả của hội thảo.
Công tác biên - phiên dịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong những năm qua, có nhiều cuộc hội thảo lựa chọn đội ngũ phiên dịch đủ trình độ nên có hiệu quả cao. Tuy nhiên, đây là khâu còn nhiều bất cập, đặc biệt với một số ngôn ngữ không phổ biến. Cụ thể là: thiếu những chuyên gia có năng lực ngôn ngữ chuyên ngành lý luận chính trị; hiểu biết toàn diện, sâu rộng các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội về chủ đề và các nội dung thảo luận của hội thảo; nắm chắc hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, để tìm được nhân sự đáp ứng toàn diện các yêu cầu này rất khó khăn, hoặc nếu có cũng chỉ đáp ứng được một phần. Ngoài ra, lý do kỹ thuật đơn giản cũng có thể ảnh hưởng tới công tác biên - phiên dịch, như: chưa kịp thời trong chuyển giao tài liệu từ đầu mối chuẩn bị nội dung đến bộ phận biên - phiên dịch. Thực tế nhiều cuộc hội thảo cho thấy bộ phận biên - phiên dịch nhận được dự thảo nội dung quá gấp khiến không có đủ thời gian để tổ chức chuyển ngữ hai chiều. Điều này ảnh hưởng nhất định tới chất lượng, hiệu quả của hội.
Giải pháp khắc phục
Để thực hiện tốt đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần xây dựng mục tiêu, phương hướng để giải quyết những hạn chế, bất cập nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc hội thảo quốc tế về lý luận chính trị giữa Đảng ta và một số chính đảng trên thế giới, hướng khắc phục là:
Thứ nhất, chủ động tham mưu, tư vấn cho Đảng trong việc mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại Đảng, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. Trọng tâm là mở rộng quan hệ và tổ chức hội thảo quốc tế với các đảng cầm quyền, đảng tham chính và những đảng có vị trí và vai trò quan trọng đối với tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, chủ động và tích cực đẩy mạnhcông tác đối ngoại Đảng,tăng cường hội thảo quốc tế về lý luận của Đảng ta với một số chính đảng trên thế giới,nhất là cơ hội mở rộng phạmvi quan hệ với các cá nhân, tổ chức chính trị, các đảng pháiở các nước, kể cả các nước có hệ thống chính trị, hệthống giá trị khácđể tăng cường quan hệ hợp tác và tăng thêm kiến thức tham khảo (có thể trao đổi, đối thoại lý luận với đảng cầm quyền ở một số nước như: Nga, Nhật Bản và Mỹ). Thực hiện đưa các quan điểm, chủ trương giá trị tốt đẹp của đất nước, dân tộc Việt Nam, bản chất của Đảng ta đến gần hơn với bạn bè, đối tác quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt bất đồng trong những lĩnh vực còn tồn tại khác biệt giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau, giữa các nước này và các nước phương Tây, đặc biệt liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Bên cạnh đó, đây là kênh quan trọng để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của các chính đảng trên thế giới, không chỉ Đảng Cộng sản; giúp các đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản các nước hiểu chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của quốc tế.
Thứ ba, xác định đúng mục tiêu của hội thảo quốc tế về lý luận của Đảng talà phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đổi mới việc lựa chọn chủ đề hội thảo theo hướng thiết thực hiệu quả phục vụ sự lãnh đạo của mỗi Đảng.Cụ thể là: đónggóp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước; giữ vững độclập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổnđịnh chính trị; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở khuvực và quốc tế; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độclập dân tộc và tiến bộ xã hội trên thế giới.Việc xác định được mục tiêu hội thảo sẽ góp phần tổ chức thành công và đạt hiệu quả.
Thứ tư, tùy theo quy mô, tính chất, nội dung cuộc hội thảo để lựa chọn nội dung các báo cáo tham luận. Việc lựa chọn chuyên gia có trình độ cao, am hiểu về lý luận, sâu sắc với thực tiễn về lĩnh vực khoa học liên quan đến nội dung hội thảo viết báo cáo tham luận rất quan trọng, là yếu tố làm nên thành công của hội thảo. Để tránh tình trạng báo cáo tham luận không đúng, không trúng, thậm chí mâu thuẫn hoặc xa rời chủ đề hội thảo, ban tổ chức nên định hướng cụ thể, chi tiết nội dung cho người viết, đảm bảo sự cân đối, phù hợp với các tham luận của đảng bạn. Trong quá trình định hướng, cần lưu ý trách nhiệm, ý thức chính trị cá nhân của người viết bài trước một cuộc hội thảo lý luận chính trị quốc tế.Bài viết sau khi hoàn thiện, cần được tổ chức thẩm định kỹ, từ quan điểm chính trị đến nội dung.Nếu bài không đạt yêu cầu cần mạnh dạn yêu cầu tác giả làm lại, có khi từ chối không sử dụng. Vai trò của đội ngũ thẩm định và biên tập viên phục vụ hội thảo trong trường hợp này rất quan trọng. Để có bảo đảm công việc này, Hội đồng cần có chiến lược bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ biên tập; vững về lý luận. Có thể phối kết hợp với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu lý luận trong cả nước để mời được các chuyên gia đầu ngành trong thẩm định và biên tập.
Việc tổ chức đặt bài, biên tập cần được đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những khâu quan trọng để hoàn thiện bài viết. Cần đặt bài sớm để có thời gian cho tác giả chuẩn bị và cho bộ phận thẩm định, biên tập. Tránh tình trạng làm cho xong, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tham luận.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ biên - phiên dịch. Yêu cầu đối với cán bộ biên - phiên dịch phải vượt ra ngoài khuôn khổ năng lực ngôn ngữ để bảo đảm thành công cho công tác nội dung của hội thảo. Bài tham luận có chất lượng tốt mà bộ phận chuyển ngữ không chuyển tải được thì không còn ý nghĩa. Có khi, việc chuyển ngữ không chính xác, dẫn đến hiểu lầm, hiểu sai gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần có sự chuẩn bị, đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại, nhất là cán bộ làm công tác biên - phiên dịch: giỏi về ngôn ngữ, am hiểu sâu và rộng về các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, có khả năng giải quyết và xử lý tình huống, có năng lực ngang tầm khu vực, dần tiệm cận với trình độ quốc tế. Để làm được điều này, việc cử cán bộ đi đào tạo ngoại ngữ, đào tạo lý luận chính trị, nghiệp vụ biên dịch - phiên dịch và quan hệ quốc tế là cần thiết.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng báo cáo kết quả hội thảo. Báo cáocần ngắn gọn, súc tích, nêurõ được những vấn đề mới về mặt lý luận, kinh nghiệm hay của mỗi đảng, mỗi nước, từ đóđúc rút đượcvấn đề tham khảo cho Việt Nam. Bên cạnh đó, trong báo cáo cũng cầnđánh giá toàn diệnnhững thuận lợi, khó khăn, hạn chếvề nội dung, hình thức, phương thức tổ chức hội thảo để rút kinh nghiệm cho các cuộc hội thảo tiếp theo.
__________________
(1)13 cuộc Hội thảo với Đảng Cộng sản Trung Quốc; 05 cuộc với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; 03 cuộc với Đảng Cộng sản Cuba; 07 cuộc với Đảng Cộng sản Nhật Bản; 06 cuộc với Đảng dân chủ xã hội Đức, 02 cuộc với Đảng Cộng sản Pháp.
(2) Một số ấn phẩm đã xuất bản: (1) Làm tốt công tác quần chúng trong tình hình mới - Kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam; (2) Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc; (3) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ yếu trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở Việt Nam và Lào; (4) Đảng Cộng sản lãnh đạo quá trình đổi mới tại Việt Nam và cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại Cuba - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn; (5) Những thách thức và giải pháp đối với chính sách an sinh xã hội bền vững cho tất cả mọi người tại Việt Nam và Đức; (6) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới - Kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam; (7) Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc; (8) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc; (9) Vai trò của Đảng trong cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội tại Cuba và đổi mới tại Việt Nam - Lý luận và thực tiễn; (10) Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Lào - Lý luận và thực tiễn; (11) Hội nhập quốc tế: Kinh nghiệm của Lào và kinh nghiệm của Việt Nam; (12) Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm Việt Nam và Đức; (13) Xây dựng Đảng trong điều kiện hội nhập quốc tế: thách thức, kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ths.Lê Anh Đức/Tạp chí Lý luận Chính trị điện tử