Thứ Bảy, 23/11/2024
Lý Luận
Thứ Ba, 24/4/2018 15:2'(GMT+7)

Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và bài học kinh nghiệm

'                                   

Chiến thắng Khe Sanh: Mốc son quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Internet

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc kháng chiến gắn với 5 giai đoạn chiến lược.


Một là, thời kì giữ gìn lực lượng tiến tới khởi nghĩa từng phần


Lúc này, phong trào cách mạng ở miền Nam bị dìm trong biển máu. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 ra quyết định: “Khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, dựa vào sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mĩ và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của Nhân dân” .


Từ năm 1960, với chủ trương giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, quân và dân ta đa liên tiếp mở các đợt tiến công quy mô, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu trang vũ trang mà đỉnh cao là phong trào Đồng Khởi - một đòn bất ngờ giáng vào chiến lược Aixenhao của Mĩ ở miền Nam, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ.


Hai là, cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”của Mĩ


Năm 1961, Mĩ đưa ra chiến lược Chiến tranh đặc biệt, sử dụng chủ yếu quân đội của chính quyền Ngụy được trang bị vũ khí tối tân; đồng thời Hoa Kì cũng tăng thêm nguồn viện trợ kinh tế cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Ở nông thôn, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “Ấp chiến lược” với mưu đồ “tát nước bắt cá” nhằm cách ly lực lượng cách mạng với nhân dân. 


Quân và dân miền Nam đã kết hợp tiến hành đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trên cả 3 vùng chiến lược với 3 mũi giáp công, 2 lực lượng quân sự, chính trị và 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Quân và dân miền Nam đã giành được thắng lợi trong trận “Ấp Bắc” (01-1963); đồng thời năm 1964 quân và dân ta đã nắm thế chủ động tiến công trên toàn chiến trường. Tháng 12-1964 tiến hành chiến dịch Bình Giã. Tháng 6-1965, trước các thất bại liên tiếp trên chiến trường, chính phủ Mĩ quyết định hủy bỏ Kế hoạch Staley-Taylor và đưa quân Mĩ trực tiếp tham chiến ở miền Nam.


Ba là, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ ở miền Bắc (1965-1968)


Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh ở Việt Nam, bở Mĩ và chính quyền Sài Gòn đã tổ chức lực lượng quân đội với quân số trên 1 triệu quân (54 vạn lình Mĩ, gần 60 vạn lính ngụy và chư hầu), tiến hành các đợt hành quân “tìm diệt” và “bình định”. Trước tình thế khó khăn này, các đơn vị giải phóng chủ lực phải rời bỏ vùng đồng bằng rút lui về nông thôn hoặc núi rừng và phát động chiến tranh nhân dân đánh du kích, phục kích, tập kích, đánh đặc công... với phương châm “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, chủ yếu nhằm tiêu hao sinh lực địch, từng bước làm thất bại chiến lược quân sự của Mĩ. 


Tháng 5-1965, trong trận Núi Thành, bộ đội đặc công kết hợp với du kích địa phương đã tiêu diệt và làm bị thương 180 tên Mĩ. Lần đâù tiên lực lượng vũ trang của ta tiêu diệt gọn một đại đội Mĩ. Sau đó chiến thắng liên tiếp các trận Vạn Tường (8-1965), Plâyme, Đất Quốc, Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Hiệp Đức...đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đánh dấu chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mĩ bị phá sản.


Bốn là, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973) và chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mĩ ở miền Bắc, buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari về Việt Nam


Sau Mậu Thân, để ngụy quân, ngụy quyền đứng vững, Mĩ ra sức viện trợ giúp Việt Nam Cộng hòa xây dựng quân đội theo hình mẫu của quân lực Mĩ, với các loại vũ khí tối tân và sự yểm trợ tối đa của không quân Mĩ trong các cuộc giao tranh với quân giải phóng miền Nam.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, trên cả chiến trường miền Nam và miền Bắc, đặc biệt phát huy sức mạnh tiến công của bộ đội chủ lực làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Nichxơn. Ở miền Bắc, quân và dân ta tổ chức bố trí trận địa phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mĩ vào Hà Nội, Hải Phòng (từ 18 đến 30-12-1972). Thành công về nghệ thuật tổ chức phát hiện ý đồ, dự đoán đúng âm mưu đánh phá của chiến lược không quân Mĩ, tổ chức và áp dụng hợp lí lực lượng phòng không 3 thứ quân, đánh các loại máy bay chiến lược, chiến thuật của địch cả ban đêm và ban ngày. 

 

 

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ảnh: Internet

Đặc biệt là nghệ thuật xác định đúng khu vực tác chiến; đồng thời phát huy cao nhất sức mạnh của lực lượng tên lửa phòng không, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các binh chủng trong Quân chủng Phòng Không - Không quân, giữa lực lượng phòng không của 3 thứ quân làm thất bại các ý đồ thâm độc của địch trong cuộc tập kích đường không chiến lược. Mĩ chịu thất bại ngồi và đàm phán, kí Hiệp định Pari buộc rút quân về nước.


Năm là, tạo thế, tạo lực tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, giải phóng hoàn toàn miền Nam kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ (1973-1975)


Tháng 7-1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 đã họp và ra Nghị quyết: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” . Trong đó đã vạch ra nhiệm vụ tác chiến trên các chiến trường nhằm tạo ra cục diện mới; đồng thời chỉ rõ, cần tích cực chuẩn bị các mặt, các lực lượng vũ trang và các quân, binh chủng để tích cực xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật bảo đảm tập trung cho tác chiến lớn.


Tháng 3-1975, Đảng ta nhận định: chưa bao giờ chúng ta có đủ điều kiện về chính trị, quân sự như hiện nay nhằm kết thúc chiến tranh thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Động viên sự nổ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam” , Đảng xác định 5 mục tiêu lớn ở Sài Gòn - Gia định gồm: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Sân bay Tân Sơn nhất, Biệt khu Thủ đô và Tổng Nha cảnh sát; đồng thời Đảng chỉ rõ phải nắm chắc địa hình, cách bố trí phòng thủ của địch, nhằm chủ động phản công. 


Nắm chắc thế bố trí của địch, ta tiến hành tổ chức lực lượng chặt chẽ, phối hợp tác chiến linh hoạt bốn quân đoàn và một binh đoàn cùng các tiểu đoàn đặc công, đơn vị biệt động tự vệ và lực lượng chính trị quần chúng rộng khắp trong thành phố. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chọn 5 mục tiêu chính cần đánh chiếm; đồng thời tổ chức thế bao vây chiến lược xung quanh thành phố với 5 hướng tiến công đánh vào địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích vào đánh chiếm các mục tiêu quyết định để giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Kết thúc chiến tranh, Bắc - Nam thống nhất, non sông thu về một mối, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh ở Việt Nam sau hơn hai thập kỉ. 


Những bài học kinh nghiệm thực tiễn


Nắm vững và vận dụng sáng tạo quy luật của chiến tranh để chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, Đảng ta đã để lại nhiều bài học quý giá tiếp tục nghiên cứu trong thực tiễn hiện nay. Đặc biệt là nhiệm vụ tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đặt ra trách nhiệm nặng nề của lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước.
Trước hết, sau khi đất nước thống nhất, nhân dân ta lại phải tiếp tục chịu đựng những thử thách gay gắt mới chống lại chính sách bao vây cấm vận kéo dài nhiều năm; đối phó với chiến tranh biên giới, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, khắc phục tình trạng trì trệ, khủng hoảng nền kinh tế. Từ một nước nghèo, nền kinh tế cạn kiệt, Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng theo hướng CNH, HĐH. Sau 32 năm đổi mới, kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, khẳng định đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kết quả sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. 


Không chỉ trong kháng chiến chống Thực dân Pháp và chống Đế quốc Mĩ, mà ngày nay sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam vẫn tiếp tục được phát huy và nâng lên tầm cao mới. Tinh thần của chiến thắng 30-4, ý chí quyết chiến, quyết thắng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang thôi thúc chúng ta vươn lên chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. Bài học kinh nghiệm về sự sáng tạo, táo bạo, bất ngờ trong kháng chiến đang giúp chúng ta tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tiềm năng, thế mạnh vượt lên khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. 


Hai là, công cuộc đổi mới đất nước, Đảng cũng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” . Những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mĩ cưú nước là bài học quý báu để Đảng ta quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng Đảng ta thật trong sạch vững mạnh, có tầm trí tuệ, sức chiến đấu, đủ năng lực lãnh đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt bài học về phát huy sức mạnh hòa hợp và đoàn kết dân tộc đòi hỏi chúng ta tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, có những chính sách khuyến khích và trân trọng hiền tài, khơi nguồn lực của xã hội, “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải nhạy bén, sáng tạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội” , thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra.


Thứ ba, trong khi khẳng định những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, chúng ta cần nghiêm túc nhận rõ những khuyết điểm, tồn tại và những thách thức mới đang đặt ra cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều yếu kém; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống...chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước còn chuyển biến chậm, hiệu quả thực tế chưa cao, còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị, xã hội. Vì vậy, kiên quyết khắc phục bằng được các yếu kém, khuyết điểm, chủ động nắm bắt thời cơ, làm chủ tình hình, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững là đòi hỏi khách quan của lịch sử; đồng thời là khát vọng thiết tha, niềm tin mãnh liệt, quyết tâm sắt đá của tất cả người Việt Nam yêu nước hôm nay. 


Phía trước chúng ta có cả thời cơ và thách thức, để phát huy truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hơn lúc nào hết Đảng ta vẫn đặt lên hàng đầu công tác bồi dưỡng, phát triển nâng cao trí tuệ và trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhằm tạo động lực đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", theo định hướng XHCN.   

Tài liệu tham khảo
1,2,3. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb QĐND, Tập 1, H, 2008, tr. 34, 57.
4. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 44.
5. ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận trong tình hình mới, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 28.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Sáng - Trường Sĩ quan Lục quân 2

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất