Bên cạnh phong trào trồng cây gây rừng, cũng cần lắm một phong trào giữ rừng. Hậu quả của việc tàn phá rừng, đến giờ, chúng ta vẫn chưa thể khắc phục
được. Rất nhiều loài gỗ quý gần như đã tuyệt chủng. Một phần không nhỏ
cây gỗ lớn đã bị đốn hạ để phục vụ nhu cầu của con người.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng để tính độ che phủ của Việt Nam hiện là 13,52 triệu héc-ta, độ che phủ đạt 40,84%; trong đó, rừng tự nhiên có diện tích hơn 10,175 triệu héc-ta. Đây là những tín hiệu vui, chứng tỏ rằng phong trào trồng cây gây rừng ở nước ta trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả.
Xem xét các số liệu thống kê trong những năm qua, chúng ta sẽ thấy được sự hồi phục của rừng. Cụ thể, năm 1945, tổng diện tích rừng của nước ta là 14,3 triệu héc-ta và toàn bộ diện tích này là rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%. Đến năm 1995, tổng diện tích rừng nước ta tụt xuống mức thấp nhất, với chỉ 9,3 triệu héc-ta, tỷ lệ che phủ rừng chỉ còn 28,2%, trong đó có 8,3 triệu héc-ta rừng tự nhiên và 1 triệu héc-ta rừng trồng.
Như vậy, diện tích rừng và độ che phủ rừng của nước ta đến nay đã gần bằng năm 1945. Rừng từ chỗ bị suy kiệt cách đây khoảng 20 năm, đến nay đã dần hồi sinh. Thế nhưng, chất lượng rừng rõ ràng đã khác trước, bởi trước đây là rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, rừng già, thì nay một diện tích không nhỏ là rừng mới được trồng.
Hậu quả của việc tàn phá rừng, đến giờ, chúng ta vẫn chưa thể khắc phục được. Rất nhiều loài gỗ quý gần như đã tuyệt chủng. Một phần không nhỏ cây gỗ lớn đã bị đốn hạ để phục vụ nhu cầu của con người. Bởi thế, diện tích rừng có thể được phục hồi, nhưng những diện tích rừng được phục hồi ấy phải cần hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa mới có thể trở lại thành những rừng gỗ lớn.
Ai đã phá rừng xanh của Việt Nam? Đó là bom đạn, là chất độc hóa học mà quân đội Mỹ giội xuống trong suốt mấy chục năm chiến tranh. Đó là hậu quả của hủ tục du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Đó là lòng tham và những ích lợi trước mắt đã làm không ít kẻ không ngần ngại đốn hạ những thân gỗ vài trăm năm tuổi để làm giàu cho bản thân-những thân gỗ phải mất vài trăm năm sinh trưởng, nhưng chỉ mất một vài giờ để bị đốn hạ… Bởi thế, dẫu cả nước ra sức trồng cây gây rừng, nhưng vẫn không xuể với đội quân “lâm tặc” vốn chỉ là thiểu số trong xã hội.
Xảy ra điều đó là do những kẻ phá rừng ngày càng trở nên liều lĩnh, manh động; còn lực lượng bảo vệ rừng vừa thiếu lại vừa yếu nên bị lấn lướt. Ấy là chưa kể, còn có tình trạng bao che, tiếp tay cho nạn phá rừng để trục lợi cá nhân. Dẫu vì bất cứ lý do gì, mỗi cây gỗ bị đốn hạ trái phép là một lần chúng ta mắc nợ các thế hệ cháu con, mắc nợ với quốc gia, dân tộc, mắc nợ với cả hành tinh và chưa làm tròn lời dạy của Bác…
Một Tết trồng cây nữa lại về, sẽ có thêm rất nhiều cây mới được trồng để mở rộng thêm diện tích rừng của cả nước. Tất cả chúng ta phải trồng rừng, vì rừng chính là tấm lá chắn hộ mệnh của chúng ta để tránh những thảm họa của thiên nhiên, do thiên nhiên nổi giận. Nhưng đồng thời nếu không nghiêm khắc, không kiên quyết bảo vệ rừng, đặc biệt là những diện tích rừng tự nhiên, rừng già còn lại thì hiệu quả của việc trồng rừng cũng sẽ rất hạn chế.
Bởi vậy, bên cạnh phong trào trồng cây gây rừng, cũng cần lắm một phong trào giữ rừng./.
Chiến Thắng (QĐND)