Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 29/1/2017 17:8'(GMT+7)

Sức mạnh của tình thương

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, trải qua những thăng trầm của đất nước, truyền thống ấy luôn được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Giá trị truyền thống ấy đã trở thành điểm tựa và sức mạnh tinh thần để mỗi người, từng gia đình và toàn dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách.

Ngày nay, mặc dù trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái kinh tế thị trường, nhưng những giá trị truyền thống ấy vẫn được phát huy mạnh mẽ và trở thành ý thức và việc làm tự giác trong mỗi người con đất Việt. Khi thiên tai, bão lũ hoành hành gây thiệt hại ở các địa phương thì các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang lại cùng chung tay tham gia các phong trào quyên góp ủng hộ, hỗ trợ và sẻ chia với những khó khăn, mất mát của nhân dân bị thiệt hại bởi thiên tai.

Những tin tức về thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, miền Nam…vừa được loan báo, thì ngay lập tức đã có hàng trăm chuyến hàng cứu trợ, với ước mong đóng góp một phần nhỏ bé giúp người dân nơi đây dần dần trở lại cuộc sống bình thường; đó là những tình nguyện viên sẵn sàng góp sức ở những nơi đang bị thiên nhiên tàn phá... Không ai bảo ai, tất cả đều đồng lòng và cảm thấy có trách nhiệm với cuộc sống của đồng bào mình.

Lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau không chỉ phát huy trong khó khăn, hoạn nạn, mà nó còn được phát huy trong những dịp ngày lễ, ngày Tết. Bởi vậy, đã thành thông lệ, cứ dịp Tết đến, Xuân về, những phần quà ý nghĩa lại được cơ quan, đơn vị, địa phương trao tặng cho các gia đình chính sách, người nghèo; hàng nghìn chuyến xe miễn phí lại lên đường để đưa công nhân, sinh viên về quê đoàn tụ bên gia đình. Rồi sau mỗi năm lại ra đời thêm những hình thức mới để giúp đỡ người nghèo như: Xuân yêu thương, Tết sẻ chia, Tết vì người nghèo, Ngày hội bánh chưng xanh vì người nghèo... Tùy theo điều kiện của mình, mỗi tổ chức, cá nhân lại có một hình thức giúp đỡ, sẻ chia với cộng đồng phù hợp; chung tay, góp sức cùng Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho những người yếu thế trong xã hội, trên tinh thần tương thân tương ái, không thờ ơ, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác.

Xuân năm nay cũng không ngoại lệ, đồng hành cùng những chương trình giúp đỡ truyền thống, hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn ở Thủ đô Hà Nội đã có một phiên chợ cuối năm khó quên, đó là phiên chợ Tết 0 đồng. Tại phiên chợ, các mặt hàng như quần áo, bánh mứt kẹo, giò chả, gạo nếp, đỗ xanh, măng miến, hoa quả, đồ gia dụng và nhiều mặt hàng thiết yếu khác phục vụ Tết được bán với giá 0 đồng. Hàng hoá tại chợ đều do các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ, với mong muốn mang đến cho người nghèo một cái Tết ấm áp và no đủ. Hình thức này giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhận được những mặt hành thiết yếu mà họ thực sự có nhu cầu trong điều kiện kinh tế eo hẹp.

Có thể thấy, theo thời gian, những hình hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Sự giúp đỡ ấy không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất đơn thuần, mà đã hướng tới những giá trị tinh thần khi mang tới cho họ những niềm vui, sự phấn khởi khi được đi mua sắm Tết, được hòa cùng không khí vui tươi, no đủ trong dịp Tết đến, Xuân về. Tết năm nay niềm vui, niềm hạnh phúc đã được lan tỏa và thấm sâu đến từng nhà, từng người bởi sự quan tâm sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng xã hội.

Thế mới thấy, trong một xã hội, khi tình thương yêu và sự sẻ chia được phát huy và nhân rộng sẽ trở thành động lực tinh thần vô giá. Khi tình thương yêu, sự đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ nhau trở thành hành động, nét đẹp văn hóa thường xuyên của mọi người và xã hội thì điều thiện sẽ được nhân lên, cái ác dần mất đi, xã hội sẽ ổn định và tốt đẹp hơn. Đây chính là nền tảng để xây dựng một xã hội nhân ái, ổn định, hạnh phúc và phát triển…/.

Thu Hà (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất