Sáng ngày 6/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954”.
Hơn 100 hiện vật, trong đó phần lớn là tranh cổ động, một số bức ký họa, bút ký và một số kỷ vật của các họa sĩ và hiện vật liên quan đến việc in ấn, tuyên truyền tranh thời kỳ 1946-1954 được thể hiện trên diện tích khoảng 230m2, nội dung trưng bày gồm 05 chủ đề: Cổ động chủ trương-phong trào; Chiến đấu; Tình quân dân; Nêu gương điển hình; Kỷ niệm ngày lễ lớn.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng với sự góp mặt của thế hệ họa sỹ yêu nước.
Cùng với báo chí và truyền đơn, tranh cổ động đã kịp thời truyền đạt các nhiệm vụ cách mạng, trở thành vũ khí sắc bén, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân. Về cơ bản, nghệ thuật tranh áp phích, cổ động thời kỳ này thể hiện qua các hình thức như: tranh vẽ theo lối dân gian, tranh liên hoàn kể chuyện, tranh có tính chất minh họa, tranh ký họa ghi chép…
Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ: Chương trình trưng bày chuyên đề được tổ chức nhằm đưa lại cho công chúng những hiểu biết về các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa-nghệ thuật của dòng tranh cổ động Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946-1954); từ đó, góp phần khơi dậy, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống đấu tranh vẻ vang, kiên cường của của dân tộc.
Đây là những bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Công chúng có thể thấy rõ bước chuyển mình về quan điểm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ kháng chiến được thể hiện qua nội dung, đề tài thể hiện, phương pháp, kỹ thuật tạo hình và cách thức tiếp cận, chuyển tải tới công chúng, có nhiều nét đặc sắc riêng trong thể loại, trong kỹ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Tuy được sáng tác nhằm mục đích tuyên truyền cách mạng, nhưng là một loại hình nghệ thuật nên tranh cổ động đã tìm và hình thành tiếng nói tự thân giàu khả năng biểu cảm thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng.
|
|
Đa số các tranh tuyên truyền cổ động đều khuyết danh tác giả. Theo tâm sự của một số họa sĩ thời kỳ đó thì được phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ, và các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình nằm trong công sức của nhiều người, do vậy mà các họa sĩ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp mà là những chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ để phục vụ các nhiệm vụ trong kháng chiến.
Phần lớn tranh cổ động thời kỳ 1946-1954 hiện có tại BTLSQG có kích thước nhỏ nên dễ vận chuyển, phân phát, chuyền tay nhau và cất giữ. Tranh được in thủ công, trên đá (in litô), trên bản khắc gỗ, một số ít in trên đất, sử dụng giấy được làm từ tre, nứa mà các chiến khu tự sản xuất. Do điều kiện khó khăn về vật tư trong kháng chiến nên tranh cổ động thường được vẽ nét đen là chính. Một số ít dùng mảng màu sắc nhỏ đơn giản, có khi trực tiếp tô màu bằng phẩm nhưng vì thế mà tranh thiếu đi vẻ sinh động.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng: Tranh cổ động không những có mặt ở mọi nơi, tác động đến nhiều mặt thuộc tình cảm con người, mà còn bổ sung cho kho tàng ngôn ngữ tạo hình Việt Nam nhiều dạng thức biểu đạt mới. Ngoài các tiêu đề của tranh đa phần là khẩu hiệu, chú thích – một yếu tố gần như là đặc tính của tranh cổ động, nhiều tranh cổ động giai đoạn này nối tiếp truyền thống của tranh dân gian thường có đề thơ. Những bài thơ, câu ca có âm hưởng ca dao giúp quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc và tuyên truyền cho người khác những điều mình đã được xem. Chính vì vậy, tranh cổ động đã truyền tải có hiệu quả những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tới mọi tầng lớp nhân dân, cả những người không biết chữ, góp phần to lớn vào đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Qua các hiện vật gốc được giới thiệu trong trưng bày, BTLSQG mong muốn công chúng hiểu biết nhiều hơn các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa nghệ thuật của tranh cổ động Việt Nam trong giai đoạn 1946-1954, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, tiếp tục phát huy tinh thần Điện Biên Phủ quyết chiến quyết thắng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Trưng bày chuyên đề “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954” mở cửa phục vụ công chúng đến tháng 7-2104./.
Duy Hưng