(TCTG)- Những hiện vật giúp người xem hiểu rõ hơn về nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về cách têm trầu, nhai trầu và những nét đẹp của văn hóa trầu cau trong giao tiếp ứng xử, trong tình yêu đôi lứa cũng như trong các nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng… của người Việt.
Ngày 24/10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành (Hải Dương) đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”.
Người xem có dịp được ngắm nhìn khoảng 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu, trong đó điểm nhấn là bộ đồ ăn trầu của tầng lớp quý tộc thời Nguyễn với những dụng cụ ăn trầu bằng vàng, bạc, ngọc… được tạo dáng, trang trí độc đáo, tinh xảo. Bên cạnh đó, còn có các hiện vật có niên đại từ thời Lý trở về sau như bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dao bổ cau, têm trầu, khay trầu, cơi trầu, cối giã trầu, xà tích… Những hiện vật đó giúp người xem hiểu rõ hơn về nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về cách têm trầu, nhai trầu và những nét đẹp của văn hóa trầu cau trong giao tiếp ứng xử, trong tình yêu đôi lứa cũng như trong các nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng… của người Việt.
|
|
Ngoài ra, công chúng còn có dịp thưởng lãm những nét độc đáo trong tục ăn trầu ở các dân tộc ít người như: Tày, Chăm, Khơ me, Xơ Đăng, Xtiêng… thông qua bộ dụng cụ ăn trầu của họ. Một số hình ảnh, video, bài viết về nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về cách têm trầu, nhai trầu và những nét đẹp của văn hoá trầu cau trong giao tiếp, ứng xử, trong việc hiếu nghĩa, trong tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, trong các nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng… cũng được trưng bày tại triển lãm này.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh: “Thông điệp chúng tôi muốn nhắn gửi đến chỉ là có thể tôi và các bạn sẽ không ăn trầu nữa, có thể cái tập tục này sẽ mai một đi nhưng những hiện vật này sẽ cho ta thấy tục ăn trầu sẽ mãi mãi hằn in trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam”.
Trưng bày kéo dài đến hết tháng 01/2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.
Tuấn Hà