Ngày 22/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 20/10/2012).
Đây cũng là dịp để những nhà nghiên cứu, độc giả mến mộ nhìn nhận lại thành tựu sáng tác “để đời” của Vũ Trọng Phụng, đóng góp cho văn chương Việt Nam hiện đại.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Vũ Trọng Phụng là người phản biện hùng hồn nhất cho sự cải tạo, ông hay sử dụng loại văn chương, phóng sự tùy bút và hướng vào sự thật tối đa, phê phán cái xấu, cái ác đến tận cùng, bởi ông là người nhân danh cái thiện...
Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc." Cho đến ngày qua đời, các tiểu thuyết, phóng sự, kịch của ông luôn gây chấn động trong dư luận, gồm cả hai phía khen và chê. Phải tới 50 năm sau ngày ông mất (13/10/1939), Vũ Trọng Phụng mới trở lại, được tôn vinh là gương mặt tiêu biểu, xuất sắc trong trào lưu văn học hiện thực nói riêng và văn học hiện đại nói chung.
Với các tác phẩm “Giông tố,” "Số đỏ,” “Làm đĩ,” “Lục xì”… ông đã đi sâu phản ánh những ung nhọt, góc khuất của hiện thực xã hội cũ. Dù chỉ có 10 năm tuổi nghề, nhưng Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng đồ sộ tác phẩm ở nhiều thể loại.
Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng, Vũ Trọng Phụng là nhà văn chịu đọc, chịu khám phá và cũng là người có tính nhân văn cao. Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có tính xã hội, tính thời đại cao, ví như việc "Âu hóa" được phê phán mạnh mẽ không phải vì ông bài xích "Âu hóa" mà lên tiếng phê phán những tiêu cực, lên tiếng cảnh tỉnh xã hội.
Giáo sư Phong Lê nhận định, bất chấp tuổi đời quá ngắn ngủi trong nghèo túng, bệnh tật, văn phẩm Vũ Trọng Phụng mang trong nó giá trị thế kỉ bởi sự nhận diện sắc nét gương mặt xã hội. Cùng với đó là sự soi sáng vấn đề lớn của dân tộc, số phận nhân dân trên một hành trình dài hướng tới sự thật, gắn bó với sự thật, nhằm mục tiêu nhân đạo hóa hoàn cảnh và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội...
Cũng trong lễ tưởng niệm, Ban Tổ chức đã trưng bày các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do các nhà xuất bản, các nhà sưu tầm tổng hợp như tác phẩm "Kỹ nghệ lấy tây" được Nhà xuất bản Đông Phương xuất bản năm 1936; tác phẩm kịch "Không một tiếng vang" được Nhà in Đông Tây ấn hành năm 1931; các số Hà Nội Báo năm 1936 nơi các tác phẩm "Giông tố," "Số đỏ" đăng lần đầu tiên. Đặc biệt, còn có một số bản thảo viết tay tác phẩm "Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng.
Trước đó, vào ngày 20/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 20/10/2012), gồm 1 mẫu tem khổ 32 x 43mm. Đây là bộ tem bưu chính thứ 6 về đề tài kỷ niệm 100 năm ngày sinh của các nhân vật lịch sử, được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành từ đầu năm đến nay.
Bộ tem bưu chính kỷ niệm 100 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng do Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam thiết kế theo phong cách đồ họa với hình ảnh nổi bật là chân dung nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng cùng hình ảnh minh họa một số tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông.../.
(N.Anh/Vietnam+)