Trải qua 60 năm, đặc biệt 30 năm cải cách mở cửa, nhân dân Trung Quốc đã lập nên những kỳ tích. Có ý nghĩa nhất trong các thành tựu, đó là bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống của 1,3 tỉ người, chiếm 1/4 dân số thế giới.
Sự ra đời của CHND Trung Hoa 60 năm trước góp phần thay đổi cục diện châu Á. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay góp phần thay đổi cục diện thế giới, làm chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông.
Những năm gần đây một câu hỏi thời sự đặt ra trên chính trường quốc tế: Trung Quốc ngày nay là một quốc gia như thế nào?
Có thể nói đó là một quốc gia đạt tới vị trí cao trên thang bậc quốc tế với sức mạnh về kinh tế và quân sự. Đó là một cường quốc thương mại và sản xuất khổng lồ, “công xưởng thế giới” với sản lượng 210 loại sản phẩm công nghiệp đứng đầu thế giới...
Nhờ dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu với một vị thế nổi trội hơn trước. Khảo sát của Viện nghiên cứu Z/Yen do Khu tài chính London vừa xuất bản cho thấy Trung Quốc có ba thành phố nằm trong 10 thành phố đứng đầu thế giới về cạnh tranh tài chính (Hong Kong, Thâm Quyến, Thượng Hải).
21 năm qua, chi phí quân sự của Trung Quốc tăng gấp 20 lần. Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt mới đây nói rằng nhiều hệ thống vũ khí của nước này ngang hàng hoặc gần tương xứng với năng lực quân sự của phương Tây. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể tự sản xuất hầu hết các phương tiện chiến tranh theo nhu cầu sử dụng. Việc “trình làng” 52 loại vũ khí mới dịp lễ quốc khánh lần này đánh dấu việc Trung Quốc chấm dứt chủ thuyết “giấu mình chờ thời” do ông Đặng Tiểu Bình đề ra, để biểu dương thực lực.
Nhưng những thách thức đối với Trung Quốc cũng vô cùng to lớn. Vấn đề lớn nhất là phát triển bền vững, khắc phục phân hóa xã hội hiện hết sức sâu sắc. Tình trạng suy thoái môi trường lan rộng trên quy mô lớn gây nhiều dịch bệnh; các châu thổ lớn bị lún do khai thác nước ngầm bừa bãi... Trung Quốc dẫn đầu thế giới về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2.
Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại báo cáo chính trị đại hội 17 tháng 10-2007, xác định: Trung Quốc phản đối mọi hình thức chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, khẳng định “vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”.
Việt Nam gửi điện mừng Quốc khánh Trung Quốc
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 Quốc khánh nước CHND Trung Hoa (1-10-1949 - 1-10-2009), các nhà lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện mừng tới các vị lãnh đạo Trung Quốc. Bức điện nêu rõ: Việt Nam chúc mừng nhân dân Trung Quốc đã giành được những thành tựu hết sức to lớn, làm nên nhiều kỳ tích vĩ đại được cả thế giới khâm phục.
Bức điện có đoạn viết: “Đặc biệt là những thành tựu phát triển sau hơn 30 năm cải cách mở cửa đã làm thay đổi sâu sắc đất nước Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia có quốc lực tổng hợp đứng vào hàng đầu thế giới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, có vai trò và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của thế giới”.
Nội dung bức điện cũng khẳng định các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì, sự tin cậy về chính trị tiếp tục tăng lên, giao lưu và hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước ngày càng mật thiết và hiệu quả; các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đang từng bước được giải quyết, trong đó việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với hai nước. |
(Theo: Tuổi trẻ)