Trong vài tháng gần đây Trung Quốc tăng cường tích trữ dầu thô và các nguyên liệu chiến lược. Hoạt động này đã giúp đảo ngược xu thế giảm giá hàng hóa khi kinh tế thế giới bị chậm lại vào mùa thu năm ngoái.
Nhưng theo giới phân tích, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một phần đáng kể những nguyên liệu nhập khẩu đã được Chính phủ Trung Quốc đưa vào kho dự trữ chứ không phục vụ sản xuất.
Báo New York Times cuối tuần qua dẫn lời giám đốc điều hành một công ty vận tải biển ở Hồng Kông cho biết hiện có hơn 90 con tàu biển cỡ lớn chở đầy quặng sắt nằm chờ ở các hải cảng, phải hai tuần nữa mới dỡ hàng được vì các khả năng bốc xếp và chứa hàng của hải cảng đã bị quá tải.
Báo Wall Street Journal dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 5-2009, Trung Quốc nhập khẩu 53,46 triệu tấn quặng sắt, giảm 6,2% từ mức 57 triệu tấn hồi tháng 4 nhưng tăng 37% so với lượng nhập khẩu 38,91 triệu tấn hồi tháng 5-2008.
Nhưng sản lượng thép thật sự sử dụng số quặng sắt đó lại không tăng tương ứng. Trong báo cáo nghiên cứu gửi khách hàng, Alan Heap, nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup, nhận xét: “Từ đầu năm đến nay quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 25% nhưng sản lượng thép chỉ tăng 3% do các nhà máy trong nước giảm sản xuất, tồn kho nhiều và nhu cầu xuất khẩu yếu ớt”.
Không chỉ quặng sắt mà mấy tháng gần đây Trung Quốc còn mua nhiều mặt hàng nguyên liệu khác như quặng nhôm, đồng, nickel, thiếc, dầu cải và đậu nành. Từ tháng 4, Trung Quốc bắt đầu tích trữ một số lượng lớn dầu thô.
Theo Ngân hàng JP Morgan, trong đợt mua hàng tích trữ này, Trung Quốc phải chịu giá cao, ví dụ, giá quặng sắt hồi tháng 4-2009 cao hơn 33% so với năm ngoái, dầu thô cao hơn 14%, quặng nhôm cao hơn 16% và đồng tinh luyện cao hơn 148%. Riêng mặt hàng than đá, các nhà máy điện Trung Quốc phải nhập khẩu than với mức giá cao hơn 168% so với năm ngoái trong lúc cuộc thương lượng về giá với cá công ty than trong nước chưa kết thúc được. Bản tin chuyên ngành Metal Bulletin cho biết, nhu cầu của Trung Quốc đã đẩy giá quặng sắt lên 75 đô la Mỹ/tấn hôm thứ Sáu tuần trước, thấp hơn mức 76,5 đô la Mỹ/tấn tuần trước đó nhưng tăng 20% so với hai tháng trước.
Mục đích đầu cơ của Trung Quốc thay đổi theo từng mặt hàng. Các công ty Trung Quốc mua nhiều quặng sắt trên thị trường giao ngay vì dự đoán giá quặng sẽ tăng cao trong các cuộc thương lượng hợp đồng cung cấp hàng năm sắp kết thúc. Đối với dầu thô và một số kim loại khác, sự đầu cơ nhắm tới những mục tiêu chiến lược, ví dụ họ mua nhiều quặng nhôm và dầu cải để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi bị tác động bởi xu thế giảm giá trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, rất khó xác định tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu được Trung Quốc đưa vào kho dự trữ vì nước này hiếm khi công bố số liệu chân thực.
***
Xu thế đầu cơ tích trữ nguyên liệu của Trung Quốc đang gây nên những phản ứng trái ngược trong giới kinh doanh. Ông Tim Huxley, Tổng giám đốc điều hành Công ty Vận tải biển Wah Kwong có trụ sở tại Hồng Kông, nhận định: “Có một sự tích trữ khổng lồ mọi thứ nguyên liệu” ở Trung Quốc và xu thế này không thể tiếp tục mãi mãi.
Những vụ mua hàng ồ ạt của Trung Quốc đã giúp đảo ngược xu thế giảm giá các mặt hàng nguyên liệu chiến lược đi kèm với đà suy thoái kinh tế, nhưng cũng làm hạn chế quy mô của công cuộc phục hồi kinh tế. Thứ Tư tuần trước, tổ chức dịch vụ đầu tư Moody’s Investor Service công bố triển vọng “tiêu cực” (negative) đối với các kim loại cơ bản, khai khoáng và công nghiệp sắt thép ở châu Á - Thái Bình Dương, sau khi đã đưa ra đánh giá tương tự ở những khu vực khác trên thế giới.
“Việc đầu cơ tích trữ và thay thế sản xuất trong nước chất lượng thấp bằng nguyên liệu nhập khẩu chất lượng tốt hơn của Trung Quốc đã hỗ trợ cho đợt tăng giá gần đây của nhiều loại kim loại căn bản, nhưng chúng tôi không nhìn thấy một sự đảo chiều đáng kể và có tính bền vững trong nhu cầu tiêu thụ cho đến khi nào các nền kinh tế lớn của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hồi phục lại”, ông Terry Fanous, Phó chủ tịch cao cấp của Moody’s tại Sydney, nhận định và nói thêm rằng các nền kinh tế hàng đầu không có khả năng phục hồi cho đến tận năm sau.
Ở góc độ tích cực, nhờ giá nguyên liệu tăng trở lại, chỉ số giá hàng hóa toàn cầu Standard & Poor’s GSCI đã tăng 42% từ điểm thấp nhất ngày 18-2 nhưng vẫn chưa bằng một nửa so với mức giá đỉnh lập nên ngày 3-7 năm ngoái.
Cũng nhờ giá tăng, một số công ty khoáng sản bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trở lại sau thời gian im ắng. Theo báo Wall Street Journal, Công ty thép Severstal của Nga đã tăng năng lực sản xuất quặng sắt từ 30% công suất hồi tháng 1-2009 lên 80% hiện nay và dự trù hoạt động hết công suất trong tháng 7 tới. Công ty LKAB của Thụy Điển, chuyên sản xuất quặng sắt chất lượng cao, cũng cho biết sẽ rút ngắn thời gian nghỉ hè từ tám tuần xuống năm tuần để sớm khôi phục sản xuất, đáp ứng nhu cầu đang tăng của Trung Quốc và tranh thủ lúc giá quặng sắt lên cao nhất trong bốn tháng qua.
Nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu của Brazil, Công ty MMX Mineracao e Metalicos, thông báo sắp phục hồi việc khai thác quặng sắt ở mỏ Corumba bị đóng cửa tháng 12 năm ngoái do nhu cầu suy yếu. Theo ông Sanjay Mehta, Giám đốc điều hành tập đoàn Essar Global - công ty đa quốc gia của Ấn Độ chuyên kinh doanh sắt thép, vận tải biển và công nghiệp nặng, hiện nay các nhà máy thép ở Bắc Mỹ hoạt động khoảng 50-60% công suất, ở Trung Quốc khoảng 70% và ở Ấn Độ là 100%.
Vài chuyên gia khác cũng hy vọng giá nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng vì tin rằng kinh tế Mỹ và châu Âu đang bước vào giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng.
Nhưng nhiều chuyên gia khác không hoàn toàn đồng ý như vậy. Ông Richard S. Elmand, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn kinh doanh đa ngành Noble Group, nhận định nhu cầu thép xây dựng ở Trung Quốc đang hồi phục vì chính quyền trung ương và địa phương nước này đẩy nhanh các dự án hạ tầng cơ sở sử dụng nguồn vốn kích cầu của chính phủ, nhưng nhu cầu thép cao cấp dùng trong sản phẩm tiêu dùng vẫn không tăng, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra hơn 1 tỉ đô la Mỹ trợ giá cho nông dân mua xe hơi cỡ nhỏ và đồ dùng gia đình.
Để chứng minh rằng đợt tăng giá nguyên liệu sẽ không kéo dài mà lên xuống theo hoạt động đầu cơ của Trung Quốc, ông Elmand dựa vào bảng giá cước vận tải biển; theo đó, giá thuê tàu ở Hồng Kông hiện thời là 58.000 đô la Mỹ/ngày, sẽ chỉ còn 24.000 đô la Mỹ/ngày nếu thuê vào năm 2010 hoặc 2011, khi tàu nhiều hơn hàng.
Ông Kenneth Koo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng tàu biển Tai Chong Cheang Steamship ở Hồng Kông, cũng lo lắng như vậy. “Hai tuần qua thật sôi nổi. Nhưng thay vì tán dương sự hồi sinh của thị trường vận tải hàng khô, tôi rất lo rằng chúng ta đang chứng kiến một quả bóng đang được bơm lên. Và cũng như mọi quả bong bóng trong quá khứ, nó không phình lên mãi được”.
(TBKTSG)