Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 1/12/2012 16:33'(GMT+7)

Trường chính trị tỉnh Sơn La: 50 năm xây dựng và trưởng thành

Lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng trao đổi nghiệp vụ cho 40 đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản của huyện Luông Nậm Thà - CHDCND Lào (tháng 7/2012).

Lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng trao đổi nghiệp vụ cho 40 đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản của huyện Luông Nậm Thà - CHDCND Lào (tháng 7/2012).

Trường Đảng tỉnh Sơn La từ năm 1962 đến năm 1993

Bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ Tây Bắc, các châu thuộc Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh. Công tác xây dựng đảng đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, ngày càng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa; tổ chức đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Để củng cố, xây dựng đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, Khu uỷ Tây Bắc đã chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng, giáo dục nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; quán triệt nhiệm vụ của cấp uỷ, nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi đảng viên. Năm 1962, Trường Đảng khu đã đào tạo bồi dưỡng được 104 học viên. Trường Dân tộc Khu đã mở lớp huấn luyện cho cho 390 học viên là huyện uỷ viên đương chức và cấp uỷ viên cơ sở. Các châu uỷ (huyện uỷ) liên tục mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho trên 800 chi uỷ viên trên 2.100 đảng viên ở cơ sở; đào tạo và bồi dưỡng 197 chủ tịch và phó chủ tịch uỷ ban hành chính xã, thị trấn. Những đảng viên dự bị trước khi chuyển thành chính thức đều qua lớp bồi dưỡng ngắn ngày.

Tuy nhiên, vì địa dư của Khu quá rộng, công tác quản lý không thuận lợi, tại kỳ họp thứ Năm - Quốc hội Khoá II (ngày 27/10/1962) đã quyết nghị thành lập lại tỉnh Sơn La. Ngày 24/12/1962, tỉnh Sơn La chính thức được lập lại, bao gồm 7 huyện: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu và Thị xã Sơn La. Đảng bộ Tỉnh Sơn La được tái lập.

Trong điều kiện còn khó khăn, Trường Đảng tỉnh Sơn La được tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, lớp học đang triển khai và toàn bộ cán bộ giảng dạy của Trường Hành chính - Dân tộc khu, địa điểm của trường đóng tại huyện Thuận Châu (thủ phủ của Khu Tây Bắc lúc bấy giờ).

Khi mới tiếp quản cơ sở vật chất của Trường Dân tộc khu, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường Đảng chưa hình thành các khoa, phòng, chỉ có bộ máy lãnh đạo là Ban Giám đốc và giảng viên quân số có khoảng từ 07 đến 10 người. Đội ngũ giảng viên, ngoài Ban Giám đốc nhà trường làm công tác quản lý kiêm giảng dạy, hai giáo viên chủ yếu làm công tác giáo vụ, nhà trường mời các giảng viên kiêm chức là các đồng chí lãnh đạo ở các ban, ngành của tỉnh. Cán bộ giảng viên của trường đa số có trình độ văn hóa lớp 7 và trình độ trung cấp lý luận chính trị. Vạn sự khởi đầu nan, giữa bộn bề khó khăn, toàn trường quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Đảng bộ tỉnh giao phó.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (10/1963) là "Coi trọng bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý hợp tác xã, cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc và cán bộ nữ". Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ Tỉnh giao, đáp ứng nhu cầu huấn luyện cán bộ lãnh đạo chính trị cơ sở và tham mưu đề xuất các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách mà cơ sở yêu cầu. Trường đã tiến hành mở lớp theo thời vụ và tại cơ sở, nhằm trang bị những kiến thức về công tác đảng, chính quyền và đoàn thể; phổ biến, quán triệt các Nghị quyết 09 và Nghị quyết 34 của Trung ương về tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới.

Trải qua 17 năm (1962-1979), trong điều kiện cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo trình độ sơ cấp lý luận chính trị cơ sở cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong những năm chiến tranh, phải di chuyển địa điểm, cơ sở vật chất tạm bợ, đội ngũ giảng viên thiếu, nhưng nhà trường đã linh hoạt mở các lớp tại cơ sở để đào tạo cán bộ, đảng viên. Kết quả, nhà trường đã mở được 100 lớp với 3.000 lượt cán bộ chủ chốt của các xã, nông trường, lâm trường, bệnh viện, trường học; các phòng, ban từ cấp huyện đến cấp tỉnh được học tập, huấn luyện tại Trường Đảng tỉnh. Nội dung, chương trình, phương pháp, tài liệu học tập lý luận chính trị được bổ sung và đổi mới phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Cơ sở vật chất, đội ngũ, chế độ chính sách cho giáo viên, học viên từng bước được quan tâm. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, lực lượng giảng viên làm công tác giáo dục lý luận chính trị (cả giảng viên kiêm chức) còn hạn chế về trình độ và kinh nghiệm, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị. Cơ sở vật chất, các phương tiện phục vụ cho hoạt động dạy và học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thực hiện Chỉ thị số 72-CT/TW (ngày 08/5/1979) của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới”, Thường trực tỉnh uỷ Sơn La đã chỉ đạo: trong năm 1979 phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống giáo dục lý luận chính trị từ tỉnh đến các huyện. Hệ thống trường đảng ở Sơn La được củng cố, kiện toàn một bước, ngày càng đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn tỉnh.

Từ 1979 đến năm 1993, nhà trường đã mở được 48 lớp với 1.700 học viên, trong đó có 10 lớp với 340 học viên là lãnh đạo chủ chốt của các phòng, ban, huyện, thị, giảng viên trường đảng huyện, thị; giám đốc, phó giám đốc, chuyên trách công tác đảng của công ty, xí nghiệp, trạm, trại trên địa bàn tỉnh. 15 lớp trung cấp lý luận tại chức với 600 học viên là cán bộ ở các huyện, thị, nông, lâm trường, xí nghiệp, giáo viên các trường trung học, cao đẳng, 9 lớp dành cho cấp cơ sở, học viên là lãnh đạo xã, thị trấn. 6 lớp với 120 học viên ở các ngành giáo dục, công đoàn, đoàn thanh niên; 8 lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho hơn 400 học viên khu vực vùng cao, biên giới.

Trong gần 15 năm phấn đấu (1979-1993), công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Đảng tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc, nâng cấp được hệ đào tạo lên trung cấp lý luận chính trị; đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của nhà trường ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các thế hệ cán bộ được đào tạo từ Trường Đảng ngày càng phát triển và trưởng thành, đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ ở các lĩnh vực và trong các địa bàn của tỉnh. Uy tín, vị thế của nhà trường ngày càng được nâng cao, thực sự trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị của tỉnh. Với những thành tích trên, nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Sơn La từ năm 1993-1995

Đến năm 1993, để phù hợp với tình hình biến đổi của xã hội và chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, thực hiện chủ trương của Trung ương và của Tỉnh uỷ, ngày 11/11/1993, UBND tỉnh Sơn La đã ra Quyết định số: 666/QĐ-UB sáp nhập Ba trường: Trường Đảng tỉnh, Trường Hành chính tỉnh và Trường Đoàn Lò Văn Giá tỉnh thành Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ tỉnh Sơn La. Từ đây, lịch sử Trường Chính trị tỉnh Sơn La chuyển sang một trang mới theo sự phát triển chung của lịch sử Đảng bộ tỉnh.

Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này là: Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng các chương trình: trung cấp lý luận theo chương trình cũ, gồm hệ chính quy và hệ tại chức; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho các đoàn thể; bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên và chính quyền cơ sở. Ngay sau khi sáp nhập, nhà trường đã chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, cử giảng viên các khoa đi tập huấn chương trình trung cấp lý luận, quản lý nhà nước, chương trình chuyên viên, chương trình bồi dưỡng chính quyền cơ sở mới, do Học viện Chính trị Quốc gia và Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức; cử 03 đồng chí đi học thạc sĩ (chuyên ngành xây dựng Đảng 02, quản lý kinh tế 01). Tổ chức tiếp nhận 07 đồng chí có đủ tiêu chuẩn để tăng cường đội ngũ giảng viên cho các khoa mới thành lập như: Khoa Dân vận, Nhà nước - Pháp luật, Xây dựng Đảng, tăng cường nhân lực cho Phòng Hành chính. Nhiều cán bộ, giảng viên của nhà trường đã trưởng thành, được Tỉnh uỷ điều động lên công tác tại Văn phòng tỉnh uỷ, Ban Tổ chức tỉnh uỷ. Tổng số cán bộ, giảng viên, công chức thời điểm này là 53 đồng chí, trong đó giảng viên là 33 đồng chí.

Cùng với việc đào tạo trung cấp lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Sơn La kết hợp với các Ban xây dựng Đảng của tỉnh tham mưu với tỉnh cho phép liên kết đào tạo với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp Cao cấp lý luận chính trị khoá I cho 88 cán bộ chủ chốt của tỉnh, trong đó cử 02 đồng chí đi học. Liên kết với Phân viện Báo chí tuyên truyền mở Lớp hoàn chỉnh Cử nhân cho 45 cán bộ của tỉnh, trong đó nhà trường có 11 đồng chí được tham gia học tập; đồng thời tổ chức thi tuyển vào lớp Cử nhân Báo chí cho 110 học viên, trong đó cán bộ của trường tham gia có 04 đồng chí. Liên kết với Học viện Hành chính Quốc gia mở Lớp Quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính cho 88 cán bộ trung cao cấp của tỉnh, trong đó nhà trường tham gia 06 đồng chí.

Đối với khối đoàn thể, Trường đã kết hợp với Ban Dân vận tỉnh uỷ, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Hội Nông dân tỉnh mở 04 lớp cho 342 cán bộ cơ sở về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hoạt động của các đoàn thể theo đường lối đổi mới của Đảng. Kết thúc các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhà trường đã tổ chức cho học viên đi thực tế ở trong và ngoài tỉnh giúp cho học viên có kiến thức thực tế về phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao nhận thức về đường lối đổi mới của Đảng.

Tổng cộng trong 3 năm từ 1993 đến 1995, nhà trường mở được 37 lớp với 3.456 lượt học viên, trong đó: chương trình đại học có 211 học viên; trung cấp lý luận chính trị 571 học viên; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên: 153 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ban đảng, mặt trận và các đoàn thể 597 học viên; chương trình bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, thị 902 học viên.

Trường Chính trị tỉnh Sơn La từ năm 1995 đến nay

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác lý luận, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 01/1991 về "Công tác lý luận trong giai đoạn mới"; Nghị quyết nêu rõ: Cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, gắn lý luận với thực tiễn; sắp xếp lại các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, phân công phối hợp chặt chẽ.

Với tinh thần đó, ngày 10/3/1993, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 61- QĐ/TW chuyển Học viện Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ. Học Viện là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước; chỉ đạo các địa phương thành lập các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Sau gần 2 năm, từ 1993 đến 1994 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức họp, đánh giá rút kinh nghiệm nhằm tăng cường và thống nhất sự lãnh đạo quản lý của các tỉnh, thành ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở đó, ngày 5/9/1994, Ban Bí thư Trung ương đã Ban hành Quyết định số 88-QĐ/TW về thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để triển khai thực hiện, ngày 28/7/1995 Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 07-TC/TW về việc thực hiện Quyết định 88-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương về trường chính trị tỉnh, thành phố, trong đó qui định rõ về tên gọi, đối tượng đào tạo bồi dưỡng của Trường, tổ chức bộ máy, biên chế, con dấu và sự chỉ đạo đối với Trường của tỉnh uỷ, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các cơ quan Trung ương; quyền hạn, chế độ thông tin báo cáo, chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giảng viên và học viên của Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 5/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương, trên cơ sở Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy tại phiên họp ngày 24/5/1995, ngày 31/5/1995 Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Quyết định số 738-QĐ/TU về đổi tên Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ tỉnh thành Trường Chính trị tỉnh Sơn La.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy kiện toàn theo Quyết định 88-QĐ/TW ngày 05/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, có 7 khoa, phòng với 60 biên chế gồm: Khoa Lý luận cơ sở; Khoa Lịch sử - Xây dựng Đảng; Khoa Nhà nước- Pháp luật; Khoa Dân vận; Phòng Tổ chức - Đào tạo; Phòng Hành chính - Quản trị; Phòng Khoa học- Thông tin - Tư liệu

Được sự quan tâm của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, và sự giúp đỡ tích cực của các sở, ban, ngành đoàn thể, các huyện, thành trong tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực: đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt". Đội ngũ lãnh đạo của Trường và các khoa, phòng không ngừng được kiện toàn và củng cố đã tạo ra sức mạnh trong quá trình thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, Sơn La vẫn là một tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất, nền kinh tế xã hội vẫn còn còn khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn xung yếu vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố có thể gây mất ổn định. Hoạt động của hệ thống chính trị vẫn còn bộc lộ những yếu kém. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, chất lượng dạy và học còn hạn chế; cơ sở vật chất còn gặp khó khăn. Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của trường trong thời kỳ này được phê duyệt, nhưng kinh phí đầu tư còn ít. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh ngày càng lớn, trong khi đó đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn còn thiếu và có mặt còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Với tinh thần vượt khó, Trường đã tổ chức các phong trào thi đua, kết quả đào tạo bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 1995 - 2000, nhà trường đã mở được 161 lớp với 11.280 lượt học viên (vượt 10 lớp so với kế hoạch tỉnh giao). Cùng với công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn, hoạt động thông tin tuyên truyền, văn thể… được chú trọng thúc đẩy sự phát triển đi lên của Trường.

Có thể nói 5 năm (1995 - 2000) là thời kỳ đầy khó khăn, thách thức đối với Trường vừa được sáp nhập và đổi tên, song với truyền thống đoàn kết và ý chí quyết tâm vươn lên, kết quả hoạt động của Trường đánh dấu một bước phát triển đi lên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và quy mô đào tạo, khẳng định được vị thế của Trường trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở giai đoạn tiếp theo.

Bước vào thế kỷ XXI, đất nước ta nói chung và Sơn La nói riêng đứng trước những thời cơ, vận hội và thách thức mới. Sự phát triển đi lên của tỉnh đòi hỏi sự phát huy cao độ các nguồn lực, các lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó có nguồn lực về con người.

Ngày 28/6/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn”, đây là những căn cứ và cơ sở quan trọng để tỉnh Sơn La có những chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện, xác định nhiệm vụ cho Trường Chính trị trong công tác công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tỉnh đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức và dự nguồn cấp cơ sở. Ban Thường vụ tỉnh uỷ Sơn La ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về quy hoạch, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ xã, phường, thị trấn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức và dự nguồn cấp cơ sở được thực hiện theo mô hình lồng ghép: đào tạo lý luận chính trị với đào tạo trung cấp hoặc cử nhân chuyên môn nghiệp vụ được triển khai.

Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã ban hành Thông báo số 855-TB/TU ngày 04 tháng 6 năm 2005, về một số chủ trương liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã. Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã chỉ đạo:

1. Nhất trí việc thực hiện lồng ghép chương trình Trung cấp hành chính, chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cho các học viên đã học xong chương trình Trung cấp lý luận chính trị từ năm 2005 trở đi, nhằm giảm thời gian học tập đối với học viên đã học chương trình Trung cấp lý luận chính trị.

2. Tiếp tục thực hiện liên kết với một số trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp để mở các lớp đào tạo lồng ghép chương trình Trung cấp lý luận chính trị gắn với chương trình đại học (hoặc trung học chuyên nghiệp) cho cán bộ đương chức và cán bộ dự nguồn cấp xã, đặc biệt chú trọng đối tượng là con, em các dân tộc, cán bộ dân tộc ít người ở các xã đặc biệt khó khăn.

3. Triển khai xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ bản, cụm bản, đào tạo cán bộ, giảng viên của các tỉnh Bắc Lào nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

4. Tiếp tục đầu tư cơ sở, vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập Trường Chính trị, thực hiện chế độ, chính sách đối với giảng viên và học viên, thực hiện phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn”.

Từ năm 2001-2005, Trường Chính trị tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được tổng số 119 lớp với 8.799 học viên. Trong đó có: 02 lớp Cao cấp lý luận chính trị, 01 lớp Cử nhân Kinh tế chính trị, 01 lớp Cử nhân Hành chính, 01 lớp Cử nhân xây dựng Đảng - chính quyền nhà nước; 07 lớp Trung cấp lý luận chính trị lồng ghép với Trung cấp Đoàn, Trung cấp kinh tế - Nông lâm, Trung cấp Phụ vận, Đại học Kinh tế nông lâm, nhiều lớp trung cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các hội; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, Trường đã thực hiện 02 đề tài cấp tỉnh, 23 đề tài cấp trường và 66 đề tài cấp khoa, phòng và hơn 30 sáng kiến kinh nghiệm đã góp phần tích cực trong việc tiếp tục ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở Sơn La trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc; được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ vào những năm 2001, 2003, 2005; Cờ thi đua xuất sắc của Học viện Hành Chính Quốc gia năm 2001; Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh các năm: 2001, 2002, 2003, 2005; Bằng khen của Học viện Hành Chính các năm: 2001, 2004, 2005 và nhiều danh hiệu khác.

Từ năm 2006 đến nay đây là giai đoạn Nhà trường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII. Trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế. Thực hiện Quyết định 184-QĐ/TW ngày 03.9.2008 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, song song với nhiệm vụ là bồi dưỡng đào tạo cán bộ cơ sở cho tỉnh còn thực hiện chương trình đào tạo cán bộ chính trị cho 06 tỉnh Bắc Lào - nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; theo mô hình lồng ghép Trung cấp lý luận chính trị - Trung cấp kinh tế nông - lâm (niên khoá 2007-2010). Từ tháng 10-2008 nhà trường đã tiếp nhận và trực tiếp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị ngắn hạn cho 51 lưu học viên Lào; nhà trường đã tham gia đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn cán bộ các tỉnh Bắc Lào sang học tập, trao đổi kinh nghiệm, đón đoàn Lưu học sinh, sinh viên Lào của Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh đến nghiên cứu thực tế, một số sinh viên Lào đến thực tập. Ngoài ra còn phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Hội cựu chiến binh tỉnh bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên Hội cựu chiến binh, cán bộ quân sự các bản một số tỉnh bắc Lào. Đặc biệt tháng 7 năm 2012 đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và Quản lý nhà nước cho 45 cán bộ là bí thư, trưởng bản thuộc huyện Luông Nậm Thà và 05 cán bộ, giảng viên Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Luông Nậm Thà nước Cộng hòa DCND Lào.

Trường Chính trị tỉnh Sơn La qua 50 năm (20/12/1962 - 20/12/2012) xây dựng và trưởng thành. Đến nay, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy và học theo hướng hiện đại. Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy về cơ bản đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, đến nay nhà trường đã có 01 tiến sỹ, 07 thạc sỹ, 01 đồng chí nghiên cứu sinh, cử đi đào tạo 07 thạc sĩ, 15 đồng chí có văn bằng 2, nhiều cán bộ, giảng viên của nhà trường đã trưởng thành, được Tỉnh ủy điều động, phân công đảm nhận nhiều cương vị chủ chốt ở các sở, ban, ngành, các huyện, thành của tỉnh. Chất lượng và hiệu quả công tác giảng dạy và học tập ngày càng được nâng lên, đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Sơn La và thực hiện Nghị quyết Trung 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”./.

Cầm Tô Thắm
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất