Thứ Bảy, 30/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 31/12/2015 8:57'(GMT+7)

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gắn và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho  Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh Thanh Xuân)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gắn và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh Thanh Xuân)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đại diện Bộ, ban ngành Trung ương, đông đảo các thế hệ Thầy và trò Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tham dự.

Báo cáo đánh giá về chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển, PGS.TS. NGUT Lê Văn Sửu- Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa học đầu tiên với 3 ngành đào tạo: hội họa, điêu khắc, kiến trúc. Đây cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Từ năm 1925-1945, Nhà trường đã đào tạo được nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, những người thầy Mỹ thuật đầu tiên và cũng là những tên tuổi quan trọng trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại như: Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... Trải qua 90 năm, Trường đã có nhiều thay đổi từ tên gọi Trường Mỹ thuật Đông Dương ban đầu đến Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Trên mỗi chặng đường ấy, trường luôn là cái nôi đào tạo chính đối với nghệ thuật tạo hình nước nhà với phương pháp khoa học lấy nghệ thuật phương Tây kết hợp với nghệ thuật truyền thống làm nền tảng. Hiện nay nhà trường có 6 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Sư phạm Mỹ thuật, Lý luận, Lịch sử và phê bình Mỹ thuật; 2 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là Mỹ thuật tạo hình, Lý luận và lịch sử Mỹ thuật. Trong hành trình 90 năm qua, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1980, 2010), Huân chương Lao động hạng Nhì (1982), Huân chương Độc lập hạng Ba (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1990), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2000), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2005). Nhiều tác giả, nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong lĩnh vực mỹ thuật cũng là những tên tuổi đã trưởng thành từ Nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định 90 năm trước, trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống và phương pháp khoa học của nghệ thuật phương Tây, Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, đánh dấu sự ra đời của cơ sở đào tạo nghệ thuật trình độ đại học đầu tiên ở nước ta.  Kể từ ngày ấy, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu mỹ thuật hàng đầu của đất nước, có uy tín trong khu vực. Dưới mái trường này, hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ được đào tạo, cống hiến cho nghệ thuật, cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy Văn hóa dân tộc, là hạt nhân, là nòng cốt trong trong xây dựng hệ thống đào tạo Mỹ thuật nước nhà. Nhiều người đã trở thành những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lý luận nổi tiếng, được trao tặng những giải thưởng, danh hiệu cao quý, góp phần rất quan trọng tạo dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.  Ở thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào, các tác phẩm nghệ thuật, các công trình nghiên cứu của thầy cô giáo, học viên, sinh viên của Trường cũng đều đẫm hồn Việt và thở hơi thở thời đại; đều hướng tới cái đẹp, điều thiện ngay cả khi tả khắc cái xấu, điều ác; đều  bồi đắp cội nguồn, bản sắc văn hóa Dân tộc và đều là những di sản cho các thế hệ mai sau; là những nét, những sắc màu không thể lẫn trong bức tranh lớn, trong tác phẩm lớn của mỹ thuật thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Sự phát triển của một quốc gia, sự trường tồn của một dân tộc không chỉ là kinh tế hay quân sự... mà sâu xa là Văn hóa. Là loại hình nghệ thuật ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại, mỹ thuật luôn giữ vị trí đặc biệt trong nền văn hóa của các dân tộc.

Mỹ thuật Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, với vận mệnh đất nước và đã để lại những kiệt tác phản ánh đặc điểm, tính chất của các giai đoạn, các lớp văn hóa, các vùng đất, tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, Mỹ thuật Việt Nam ngày càng hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống với phương thức và không gian biểu đạt dường như không còn giới hạn. Giao lưu Văn hóa rộng mở, giới nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật trong nước được tiếp xúc với những khuynh hướng nghệ thuật mới, được chia sẻ kho tàng Mỹ thuật khổng lồ của thế giới, tạo thêm điều kiện phát triển nền Mỹ thuật tiên tiến mà đậm đà bản sắc dân tộc của nước nhà. Bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm các giá trị văn hóa mà cha ông từ ngàn đời đã bồi đắp, trao truyền lại là vinh dự và trách nhiệm. Trách nhiệm với quá khứ và cả trách nhiệm với cả tương lai. Hãy cùng nhau xây dựng một Trường Đại học thật đáng học, thật đáng sống, ở đó mọi tài năng, mọi ý tưởng sáng tạo đều được nâng niu, đều được trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để bừng nở. Ở đó, mỗi thành viên, mọi thành viên, mỗi cử chỉ, mọi hoạt động đều làm cho những giá trị văn hóa thấm sâu, tỏa rộng, để mỗi người, để mọi người đều trân trọng và luôn nỗ lực vươn tới Chân – Thiện – Mỹ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam./.

Thanh Xuân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất