Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ba nghệ sĩ, liệt sĩ vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là: Liệt sĩ Lê Chí Trực (nhạc sĩ Hoàng Việt), liệt sĩ Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) và liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ca (nhà văn Nguyễn Thi).
Tên tuổi của ba nghệ sĩ kể trên không hề xa lạ với các thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay. Những tác phẩm của nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi được giảng dạy trong nhà trường từ bậc PTTH. Còn với nhạc sĩ Hoàng Việt thì bài "Tình ca” bất hủ trở nên quen thuộc với đông đảo các tầng lớp nhân dân ta. Nhạc sĩ Hoàng Việt và nhà văn Nguyễn Thi đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật, còn nhà thơ Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.
Bài hát "Tình ca” được sáng tác năm 1957 tại Hà Nội khi Hoàng Việt tập kết ra Bắc và nhận được thư của vợ từ Sài Gòn gửi ra vùng giải phóng, qua Pháp rồi vòng về Hà Nội. Nỗi niềm "ngày Bắc, đêm Nam” nhớ thương mẹ già, vợ trẻ, trào dâng thành những ca từ trau chuốt và sâu sắc giàu tư tưởng, nhạc điệu. Mối hận quân thù như đanh lại trong lời hát: "Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu/ Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly”. Rồi vượt lên trên tất cả đau thương: "Giữ lấy đức tin bền vững em ơi/ Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời”... Cùng với "Tình ca”, Hoàng Việt đã viết những ca khúc bất hủ: "Lên ngàn”, "Lá xanh”, "Nhạc rừng” ngay trong những năm kháng chiến ở bưng biền Nam Bộ. Những bài hát của Hoàng Việt có sức lay động lớn lao, động viên đồng bào chiến sĩ góp phần vào cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc.
|
Nhà văn Nguyễn Thi |
Cùng sinh năm Mậu Thìn (1928) với nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà văn Nguyễn Thi hy sinh sau nhạc sĩ Hoàng Việt một năm (1968). Nguyễn Thi đã từng viết: "Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng đại như thế này, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó...”.
Nhà văn Nguyễn Thi đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968) khi theo một đơn vị pháo binh của Quân giải phóng đánh chiếm Sài Gòn. Trong gần 7 năm công tác ở tiền tuyến lớn, nhà văn Nguyễn Thi đã có mặt hầu hết ở các chiến trường Nam Bộ và cho ra đời nhiều tác phẩm văn học có giá trị vượt hẳn những tác phẩm đã sáng tác thời kỳ ở miền Bắc. Chúng ta có thể kể những tác phẩm tiêu biểu: Chuyện xóm tôi (1964), Mùa xuân (1964), Những đứa con trong gia đình (1966)... đặc biệt truyện ngắn "Mẹ vắng nhà”. Truyện ngắn này đã được chuyển thể thành bộ phim truyện nhựa cùng tên nổi tiếng. Bên cạnh đó, Nguyễn Thi còn có những tuỳ bút đề cập và giải quyết hàng loạt mối quan hệ thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan thời chiến: sống – chết, riêng – chung, sướng – khổ, qua đó thể hiện tấm lòng yêu nước và thuỷ chung của đồng bào Nam Bộ, khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
|
Từ trái sang: nhà thơ Lê Anh Xuân, Mộng Loan, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. |
Nhắc đến nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, chúng ta nhớ ngay đến bài thơ "Dáng đứng Việt Nam”. Bài thơ viết từ một nguyên mẫu thật nhưng lại ứng vào mệnh của Lê Anh Xuân. Bà Mộng Loan (vợ nhà văn Anh Đức) cùng làm báo Văn nghệ Giải phóng với Lê Anh Xuân, kể: "Tôi nhớ rất rõ buổi tối hôm đó cơ quan có tổ chức buổi nói chuyện của nhà thơ Giang Nam sau khi tham gia Tổng tấn công đợt 1 (Tết Mậu Thân) về. Trong đó có kể về tấm gương của một anh giải phóng quân anh dũng chiến đấu với địch và đã hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất với tư thế đang đứng bắn. Và đêm hôm đó, chính Hiến đã day dứt cho ra đời bài thơ "Anh giải phóng quân”. Đến trước lúc chuẩn bị lên đường đi Tổng tấn công đợt 2, Hiến đã trao bài thơ này cho Anh Đức xem để có thể in Văn nghệ Giải phóng số tới. Hiến đi rồi, bài thơ được in ra và Anh Đức đã đổi tên thành "Dáng đứng Việt Nam”. Nhưng trận ấy Hiến hy sinh và không thấy được bài thơ của mình được in, nhưng tôi cứ nghĩ, Hiến với tư cách và phẩm chất của mình, cũng đã góp phần tạo nên cái dáng đứng ấy: Dáng đứng Việt Nam”. Ngoài bài thơ bất hủ "Dáng đứng Việt Nam”, Lê Anh Xuân còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác, nhất là trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Mới đây, ngày 30-11-2011, sau hơn 40 năm nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh, cuốn nhật ký của ông đã được xuất bản và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách này với sự tham gia của gia đình liệt sĩ Lê Anh Xuân: GS, nhạc sĩ Ca Lê Thuần và vợ chồng NSƯT Ca Lê Hồng, đại diện Bảo tàng Bến Tre - đơn vị trưng bày di cảo của nhà thơ Lê Anh Xuân trước khi nhật ký này được xuất bản; cùng các nhà văn, nhà thơ đã từng có thời gian sống, gắn bó và gặp gỡ với tác giả bài thơ "Dáng đứng Việt Nam”.../.
(Theo: Đại đoàn kết)