Thứ Ba, 26/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 11/7/2016 17:54'(GMT+7)

Truy tặng danh hiệu hội viên cho cố nhà thơ Hoàng Hữu

Nhà thơ Hữu Thỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn trong buổi ra mắt tập sách của cố họa sỹ, nhà thơ Hoàng Hữu

Nhà thơ Hữu Thỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn trong buổi ra mắt tập sách của cố họa sỹ, nhà thơ Hoàng Hữu

Ngày 10/7/2016, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt tập sách Hoàng Hữu - Tác phẩm nhân kỷ niệm 70 năm sinh và 35 năm mất của nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hữu (1945-1981).

Đến dự lễ ra mắt cuốn sách có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà thơ, nhà văn: Bằng Việt, Vân Long, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương, Vũ Duy Thông, Thúy Toàn, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Tấn Việt, Trần Quang Quý, Văn Chinh, Nguyễn Văn Toại, Đăng Bẩy, Nguyễn Hữu Nhàn, Phạm Khải, Trần Phương Trà, Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Ngọc Tung, Nguyễn Hưng Hải, Kim Dũng, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Thị Nương, Nguyễn Thị Mai, Hà Văn Thể, Nguyễn Thanh Kim, Vũ Bình Lục…cùng các nhà văn ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc và gia đình vợ, con, họ tộc cố nhà thơ Hoàng Hữu ở Hải Phòng, Sài Gòn đến dự buổi ra mắt cuốn sách.

Họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Dũng, sinh ngày 24/9/1945 quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, tốt nghiệp đại học mỹ thuật Hà Nội. Ông về công tác ở Vĩnh Phúc rồi chuyển về Tạp chí văn hóa Vĩnh Phú và  là một trong những thành viên sáng lập Hội văn học nghệ thuật Vĩnh Phú (gồm Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay). Là một họa sĩ tài hoa, Hoàng Hữu nổi tiếng với mảng tranh ký họa và vẽ bìa sách cho các nhà xuất bản, trong đó có nhiều bìa sách của các nhà thơ nổi tiếng như: Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Bằng Việt…và nhiều nhà thơ bạn bè. Không chỉ vậy, Hoàng Hữu còn có một hồn thơ đầy mẫn cảm, tinh tế và là một thi sĩ đích thực. Ra đi khi mới 36 tuổi, họa sĩ- nhà thơ Hoàng Hữu có thể ví như một ánh sao băng trên bầu trời văn học-nghệ thuật Việt Nam. Bài thơ “Hai nửa vầng trăng” ông viết trong năm cuối cùng của đời mình, được trao giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ, HNV năm 1982 đến hôm nay vẫn làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả yêu thơ tình. Có thể coi đây là một bài thơ định mệnh khép lại cuộc đời tài hoa của họa sĩ- nhà thơ Hoàng Hữu.

Sau khi qua đời, di sản để lại với gần 100 bài thơ của ông và các bài viết của bạn bè văn chương viết về Hoàng Hữu được gia đình, bạn bè sưu tầm in trong tập sách Hoàng Hữu - Tác phẩm vừa được NXB Văn học ấn hành và ra mắt hôm nay. Cuốn sách được in với sự tài trợ của: Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng, Nguyễn Thị Quế Phượng (những người đã từng chăm sóc nhà thơ Hoàng Hữu tại bệnh viện); gia đình nhà thơ Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Quyến; họa sĩ Văn Sáng và nhà văn Đăng Bẩy…

Phát biểu cảm tưởng nhớ lại về một người đồng nghiệp, bạn thơ của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhận định: “ Bài thơ Hai nửa vầng trăng đã làm nên Hoàng Hữu rất riêng, một Hoàng Hữu của biết bao nhiêu cảm tình, cảm thương, cảm phục của người đọc. Sau bao nhiêu năm tháng, giờ đây mỗi lần đọc đến câu “Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết” lòng tôi lại nức nở xót xa một thân phận, một kiếp người trong suốt và mỏng manh đã đến với ta trong cuộc đời này. Một câu thơ định mệnh. Tháng 8 năm 1981, Hoàng Hữu viết bài thơ ấy gửi thi và ít lâu sau thì anh mãi mãi ra đi không kịp tự tay nhận giải…”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, trong phiên họp tới, Ban chấp hành Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sẽ quyết định truy tặng danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho cố nhà thơ Hoàng Hữu vì những đóng góp không biết mệt mỏi trên con đường lao động nghệ thuật của mình. Cùng đồng quan điểm với nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng đánh giá cao sự nghiệp của Hoàng Hữu. Ông tin rằng, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sẽ ủng hộ đề xuất của Chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh: truy tặng danh hiệu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho cố nhà thơ Hoàng Hữu. Cũng tại buổi lễ này, nhiều bài phát biểu của các nhà văn, nhà thơ: Vũ Quần Phương, Vũ Duy Thông, Bằng Việt, Nguyễn Hữu Nhàn, Văn Chinh và họa sĩ Nguyễn Ngọc Quyến cùng đại diện gia đình cố nhà thơ đã làm sáng rõ thêm nhân cách và tài năng hội họa, thi ca của cố họa sĩ, nhà thơ Hoàng Hữu cách đây gần 40 năm./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất